Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2019

GỌI MƯA VÀO HẠ- Nguyễn Thị Phụng


GỌI MƯA VÀO HẠ


          Em đứng lên gọi mưa vào hạ, từng cơn mưa, từng cơn mưa,.., mưa thì thầm dưới chân ngà…” tiếng hát Mùa Đông* trong hơn thể như linh ứng cơn mưa ngọt ngào đổ xuống hiên nhà, ngoài sân, và bên kia con đường bê tông là cả cánh rừng Long Mỹ (xã Long Mỹ, thành phố Quy Nhơn) được dịp tắm mát sau những tháng ngày hè nồng bức ở mức 39, 40 độ C. Điều kì diệu ấy chỉ là sự khát khao Gọi tên bốn mùa bình yên nung cháy trái tim cố Nhạc sĩ họ Trịnh ngày ấy. Điểm lại thời gian đúng hôm nay chuyển tiết Đại Thử sang Lập Thu, mà trời rắt hạt từ sáng, dẫn nhịp cơn mưa hối hả thỏa thích cũng không thể lấn át tiếng đàn Trần Viết Dũng…
         Chuyện trà dư tửu hậu dễ gì có được vẫn là sự tranh thủ giành cho nhau sau bao ngày nhớ lắm. Ngày hè ưu ái vợ chồng nhà giáo đương chức Nguyễn Thanh Minh- Lưu Thị Mười từ Phù Mỹ vào. Riêng Nhà thơ Mai Thìn và Nhà văn Trần Quang Khanh, sau mười một giờ mới có mặt và cố gắng lắm phải chia tay trước mười ba giờ chiều. Chỉ còn lại cụ Ngô (nhà thơ Ngô Văn Cư)- không là ngô ngơ đâu, mang theo cả tập thơ tứ tuyệt, thế nào thi sĩ cũng nhuyễn bốn câu từng đạt giải đã in trong tập Lời ngắn tình dài của tuyển tập Tuổi Ngọc ngày ấy: “Vội vàng sợ trễ giờ lên lớp/ Bỗng gặp nhành hoa nở ven đường/ Nhẹ ngắt một hoa cho vào cặp/ Bất ngờ lớp học ngát mùi hương”(Bất ngờ ngát hương). Thế mà hương phải nén, nhường MC. Lê Hoài Lương hào hứng: “Xưa Hoàng đế để ria con kiến/ Rất thời trang và rất phong trần/ Nên chi con gái Thăng Long ấy/ Rất phập phồng ngực công chúa Ngọc Hân/…”(Vua và em- Trần Viết Dũng), thể gợi lại không khí Trại viết truyện ngắn của Tạp chí Nhà văn và tác phẩm tại Công ty Du lịch Sao Việt Phú Yên, mà đại diện là Giáo sư- Tiến sĩ, Nhà văn Trình Quang Phú- Chủ tịch Hội đồng quản trị cùng Thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Hương, Tổng Giảm đốc công ty đã tài trợ trọn gói. Nhắc đến Trại sáng tác, Nhà văn Nguyễn Trí như được thể xuôi thuyền mát mái, anh say sưa quanh chuyện Bàn tròn về truyện ngắn ở Sao Việt là tui cũng như Lê Hoài Lương không cần micro mà sóng âm cứ dội lại các cửa kính rung lên: “Tôi chỉ phát biểu chút thôi… nếu truyện ngắn của Nguyễn Trí “không gặp” Biên tập viên tốt, bằng không, tôi đã từ bỏ và văn chương sẽ không có tôi. Để có nhà văn phải có biên tập viên giỏi, tôi đồng ý với chị Y Ban. Viết một thời gian tôi bị phê bình “người kể truyên là Nguyễn Trí”. Tôi phải thay đổi… Truyện ngắn phải có dư âm”, nhưng giờ trở lại núi rừng Long Mỹ thuở nào tui lại thèm đọc thơ. Nói rồi nhà văn liền mạch cả một bài thơ dài từ Giang hồ của Phạm Hữu Quang:  “…/Giang hồ có bữa ta ngồi quán/ Quán vắng mà ta chẳng chịu về/…” lại tiếp: “…/Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn/ Mãi mê tán dóc chẳng cho về/…”(Một ngày nhàn rỗi- Nguyễn Bắc Sơn). Anh tranh thủ tiếp gởi chút tình vào bài hát Tàu đêm năm cũ tha thiết. Còn sau khi yêu cầu, nhà văn Lê Hoài Lương nhớ lại một mạch nén lòng đầy hương vị Bữa rượu cuối năm của Vũ Hữu Định: “…/Long lanh mắt chú sao đầy rượu/ Có bóng quê xa, có bóng thầy/ Chú ạ, vô tình anh mới khóc/ Vô tình vuốt mặt để nghe cay”.

          Chuyện đọc thơ, thuộc thơ bạn bè của giới văn chương Bình Định kể như làu làu. Nhưng đọc thơ mình thì sao. Nguyễn Trí chỉ có bó tay, lắng nghe, ngạc nhiên khi MC. nhà văn Lê Hoài Lương bị mách, dồn vào thế nên phải “bật mí” đã từng đạt giải nhì thơ Văn nghệ Bình Định năm tám mươi ba của thế kỉ trước. Có lần nghe “chúng nó” xuống hàng tân hình thức nhảm, nên mình có bốn câu: “Có những lúc mùa thu dài như chó/ Sủa vào trăng vằng vặt phía sau rầm/ Có những lúc hồn anh lỗ chỗ/ Vết đạn từ tiền kiếp đến trăm năm”. Được dịp cho Nguyễn Trí sợ luôn, nên đọc bài thứ hai Tiếng chiều, nghe luôn cả tiếng thời gian: “Thế là xong, người ta đặt anh nằm trên đồi rồi lấp đất/ Tiếng sỏi gõ vào chiều khô khốc/ Âm thanh buồn xao xác cả cô miên/ Chúng mình đã hằng tiêu cuộc đời mãi đẹp/ Dẫu quây bọc quanh ta những ánh nhìn hiểm ác/ Dẫu bơ vơ tan lạnh chật kiếp người/ Ngang trời ngôi sao rơi cháy sáng đời mình trong khoảnh khắc/ Anh đã chọn lộ trình gian nan nhất/ Làm người lương thiện ngẩng đầu/ Mọi buồn vui hạnh phúc khổ đau/ Anh ném lại dọc đường cẩu thả/ Vệt lông ngỗng bay trong hồn loạn gió/ Em ngược về cúi nhặt suốt hoang vu/ Chỉ còn lại ngàn lau và ngọn đồi cao mãn/  Em có nghe chiều xuống tận đáy…”.
           Dĩ nhiên nghe được một bài thơ là nâng li chúc mừng. Không là vị đắng của cao hoa bia houblon, không là vị cay của rượu thuốc ngâm lâu, mà chính là nhịp đời quanh bàn tròn từng trải qua góc cạnh gian nan. Bàn tròn bóng láng hơn khi Nguyễn Trí phải chấp nhận “em” thua “anh” (Lê Hoài Lương) từ chuyện sáng tác thơ, quay sang tiết mục tỏ tình mặc dù chưa cấp phép: “… nỗi niềm của một kiếp người tháng ngày ngồi trong ngõ tối, anh chỉ dám nghĩ rằng sau bao năm tháng qua không từ giã cuộc đời đi làm hòa thượng với ngày tu đắc đạọ sẽ làm bùa xẻ tình làm sông chở gỗ, củi đem về ở sân chùa mà làm lễ hòa thượng…”, tui ngồi bên có bụng mừng mong được tiếng nhặt, tiếng khoan cho khỏi bỏ công đường xa đến dự, mà tiếng chì tiếng bất lùng bùng tai kiểu chay mặn đều dùng. Tất cả cho qua nếu không xác định: Trí khùng của Trần Thi sĩ. Chẳng là bí mật… Nguyễn Trí tự đắc tao hơn mầy có đến ba vợ, rồi cười hòa bắt tay. Thế đấy. Chuyện trên trời dưới đất. Có có không không kiểu đố ai quét sạch lá rừng, rừng Long Mỹ hôm nay đã khép chật hơn bởi những đường cao tốc được mở ra, tiếp nối nhường lại cho người tự do lựa chọn mục đích sử dụng của mình theo lẽ tự nhiên. Mà đề tài Long Mỹ trong những năm bảy lăm thế kỉ trước, còn ngờ ngợ hiếm người biết đến. Chúng tôi càng bất ngờ khi anh Thưởng- người đã từng đạp xe hơn trăm cây số từ Hoài Nhơn về Long Mỹ chỉ mong gặp lại bạn học cùng lớp ngày xưa cũng không được, anh Hồ Trọng Đào nhắc kỉ niệm thời sách bút đến trường THPT Tăng Bạt Hổ. Để giờ đây cùng bên nhau. Mới hiểu và trân quý cái tình nhà văn Nguyễn Trí phiêu bạc “giang hồ” dành cho bạn bè xưa nay bền chặt.

         Đã xác định ngồi bên Mùa Đông* bất tận, Nguyễn Thanh Minh luôn thắp lửa tâm hồn từ câu hát: “Không cần biết em là ai…không cần biết em ngày sau… ta yêu em bằng mây ngàn biển rộng, yêu em như yêu vùng trời mênh môngYêu em vì chỉ biết đó là em”(Diệu Hương) lắng trong hạt mưa đọng lại thấm sâu lòng đất, nuôi dưỡng cây rừng xanh tươi, ta đọc được cái tình gia đình người gieo hạt “yêu người, yêu nghề” rất mộc, cũng là để cho cây đàn Trần Thi sĩ nghỉ tay, bởi trước đó anh hào hứng Xin còn gọi tên nhau (Trường Sa). Trở lại từ đầu, nếu như MC. Quốc tế Lê Hoài Lương (tự xướng) không đọc bài thơ chỉ hai câu: “Lao xao giữa hàng cây nguyên thủ/ Tôi chỉ yên tâm dưới bóng tổ tiên mình” mà tựa đề “Trưa nắng nghỉ chân ở Bảo tàng Quang Trung” dài hai thế kỉ. Thì ai mà biết được “Ta trai Bình Định…phong cách miền Trung” tài hoa đến vậy. 
           Bàn tròn dễ bị co dãn nếu MC nhà văn mà quên nhắc những người làm thơ như “tui”, NTP, NVC, TVD,… thì chúng tui cũng nghĩ mình bị chơi khăm. Nhà văn phải đọc truyện, đọc tiểu thuyết chứ. Nhưng đọc thơ lại là sự hưng phấn đầy khích lệ, dù là thơ ai. Biết lắng nghe, biết sẻ chia là nguồn vitamin dung nạp cho sự sáng tạo của người cầm bút, giữa một không gian gia đình nơi núi rừng Long Mỹ của vợ chồng người em gái nhà văn Nguyễn Trí chuẩn bị tiệc thơ khởi đầu từ tiếng chào rất chu đáo. Những người của công việc không thể nấn ná như Mai Thìn, như Trần Quang Khanh cho tui nhớ từ chiều mùng ba năm Nhâm Thìn, alo: Chị ăn Tết vui không, chị có bài thơ nào viết về biển đảo gởi cho em chuẩn bị Nguyên Tiêu 2012 này. Tui cố gắng ừ ừ để chị gởi. Mà lúc đó đang nằm ở hồi sức cấp cứu, sau đêm mùng hai bị gãy xương tay phải, đã được nối lại. Thế đấy, từ bác sĩ bệnh viện cũng phải 100% phục vụ bệnh nhân, chuẩn bị cho Đêm Nguyên tiêu cũng tất bật đâu dễ gì thất nghiệp.
Gặp em Quý trước chợ Phú Tài .

Trước bàn thờ Đào Tấn (rằm tháng sáu 2016)

          Gọi mưa vào hạ… nhịp mưa thì thầm nhung nhớ chia tay. Tôi thèm được ngồi lâu hơn trên đoạn đường từ Long Mỹ trở về cùng Trần Viết Dũng, Nguyễn Trí và anh Thưởng trên chiếc xe bảy chỗ ngồi. Xin nói lời cảm ơn Những dòng sông, Làng và những người con gái **cùng đồng hành bên tôi trở về lại cổng làng. Nơi là chứng nhân cho Ngô Văn Cư đưa người bạn cùng lớp- Nguyễn Trí đến nhà sáng sớm cuối hè 2013, bệnh còn quen nướng nên đầu tóc chưa kịp chải, thấy vậy nhà văn cầm cây lược trắng trên bàn đưa tui. Trời đất. Vậy mà khách đi rồi tui thầm cảm ơn : “Tỉnh mê gỡ rối đi nghen/ Này đây chiếc lược trắng đen đã từng”(Chải đời, trích Bến Xuân- NXB HNV 2016). Ba năm sau, Nguyễn Trí về thắp hương Danh nhân Văn hóa Đào Tấn trong rằm tháng sáu. Rồi ba năm sau nữa- mới hôm qua đây cũng vào cổng làng đến nhà mời họp mặt. Mới sáng hôm qua đây cùng anh ngồi trước chợ Phú Tài gặp người em thân thiết ngày nào quanh chén chè đậu trắng nước dừa. Mới sáng hôm qua đây anh đưa về thăm núi rừng Long Mỹ khởi sắc, mà ngày ấy với anh vô cùng chật vật. Mới sáng hôm qua đây còn nhắc lại từ bàn tròn Trại sáng tác Sao Việt đã lưu thành kỉ niệm nhắc nhở sang sảng không cần micro: “…Tôi nghĩ rằng, ví như nhà văn Y Ban, nếu chị không có thái độ với cuộc sống, không đẩy tới tận cùng hẳn sẽ không những tác phẩm đọng lại…”(Lê Hoài Lương).
                                                                        02.08.2019 Nguyễn Thị Phụng

________________
*Nick name FB. nhà văn Lưu Thị Mười.
** Tập Tản văn- Nhà văn Lê Hoài Lương.
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét