Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

QUANH CHUYỆN RẰM THÁNG BẢY- Nguyễn Thị Phụng


                        QUANH CHUYỆN RẰM THÁNG BẢY



           Rằm tháng bảy Kỉ Hợi tròn 5 năm ngày má về với cha nơi chân trời mờ xa…
          Rằm tháng bảy đã có khi trăng tròn lắm. Dân gian đã có bài ca dao nói về các tháng trong năm: “ …Tháng sáu buôn nhãn bán tăm/ Tháng bảy ngày rằm xả(xóa) tội vong nhân/ Tháng tám treo đèn rước quân/…” Rằm tháng bảy từ thế kỉ XIV, Nhà Chùa- Thời Lê Thánh Tông qua Bản Thập giới cô hồn, tổ chức Lễ Vu Lan báo hiếu, được nhân rộng ân đức sinh thành và duy  trì đến hôm nay, đã thành nét đẹp văn hóa người Việt.
          Nhưng với rằm tháng bảy làng quê Lí môn Vinh Thạnh lại là giỗ lần thứ 112 năm ngày mất của Danh nhân Văn hóa Đào Tấn- không phải là chừng ấy năm mà trước đó tiếng trống chầu vẫn xôn xao ánh rằm trong những vở tuồng được diễn của thầy Nguyễn Diêu và người học trò của cụ là Đào Tấn sau này, trở thành dấu ấn khó quên “Ai về Chợ Huyện ăn nem/ Ghé làng Vinh Thạnh mà xem hát tuồng”(Ca dao).


         Má tôi sinh ra từ cái nôi làng nghe tuồng, vở diễn nào bà cũng thuộc làu làu. Đó là từ nhỏ. Nhưng khi lập gia đình và có đến chục người con, tiếng trống chầu bên tai vẫn còn thôi thúc. Tranh thủ cơm nước chiều sớm hơn mọi khi để còn dành chỗ ngồi dưới trăng xem hát cùng bà nội tôi. Má tôi là vậy. Trước khi trở thành một tiểu thương, đã phải có những chuyến hàng nào là giỏ cần xé trứng vịt, bao bánh tráng, mắm cá khô đưa lên tận Đắc-tô, Tân Cảnh. Rồi xuôi về khoai, bắp, măng le, măng cụt, cam, quýt,… từ những khu dinh điền được bày ra chợ đồng bằng không thiếu một thứ gì. Tiếng súng khép chặt đường dài, má tập trung mua bán tại chợ Kon Tum. Thường là nghỉ hè tôi được theo lên ở với má với cha, ra chợ nhặt từng thùng thiết đựng mắm, mà những bạn hàng ngồi chợ mua bán lẻ thảy vào đống rác, đem về sử dụng lại hoặc bán cho người đựng vôi. Tôi khổ sở nhất là đi đòi nợ cho má phải ngang qua đoạn đường Lê Thánh Tôn, những mũ nâu, mũ đỏ, mũ đen trong bộ quân phục rằn ri còn ngấm khói bụi chiến trường, lổn ngổn súng ngắn súng dài gác ghế, quả lựu đạn đặt trong li thủy tinh bày la liệt trên bàn nước giải khát cạnh Sân vận động ngày ấy đầy ám ảnh. Súng đạn chỉ có thể nằm im khi người bán hàng nhã nhặn, lễ phép. “Lính” từ rừng sâu về mà.

          Ngày ấy, muốn chở hàng từ Bình Định đến Kon Tum là phải xin giấy phép từ tỉnh Kon Tum yêu cầu giới thiệu. Tôi vẫn là người trục tiếp đi kí giấy xác nhận tại phòng kinh tế tòa hành chính tỉnh Bình Định, nhưng đâu dễ dàng, phải trình nộp Thẻ căn cước vào cổng rồi qua đến “mấy cửa” mới có khuôn dấu đỏ đem về. Sáng sớm hàng được chất lên xe đến chiều mới tới. Dọc đường phải dừng lại đến mấy trạm kiểm soát của “áo trắng”. Rề rà nhất là từ Diệp Kính Pleiku đến Kon Tum, kim đồng hồ chỉ 4 giờ chiều khó khăn mấy cũng phải cố lo “qua cửa” để đi tiếp, không thì phải ở lại đêm thành phố này. Thà đi tiếp nếu có gặp “mấy ổng” gởi lại năm, mười thùng nước mắm, mắm cái, cá khô,… được nhận lại lời cảm ơn và chia tay. Nếu những lần như thế không hóa vàng tờ giấy “ủng hộ” kháng chiến, có công cách mạng, khó mà tiếp tục lên dốc xuống đèo nuôi con ăn học. Hàng hóa xuống xe chất vào nhà, “áo trắng” cũng theo dõi số lượng thừa năm, ba chục thùng so với giấy phép cũng phải luồn tay, chứ không thì thừa hàng là lập biên bản cung cấp cho “Việt +”.  Có những chuyến hàng, tài xế gục trên tay lái giữa đường khi hai bên nổ súng. Đầu năm bảy lắm, sau chuyến xe ba lua (poids lourd) chất đầy nhà, cha má tôi đóng cửa theo đoàn người di tản xuống Phú Bổn, lội sông Ba, về Sông Cầu quá khó khăn khi cha bị thương cánh tay. Về nhà chưa được chục ngày, cả gia đình lại tiếp tục theo xe Xuân Hòa của dì năm từ Phú Phong xuống chạy vào Cam Ranh. Giải phóng Cam Ranh, cả nhà trở về Bình Định. Ngày trở lại Kon Tum, chỉ còn nhà trống. Cộng thêm những đợt Nhà lồng chợ bị cháy. Má trắng tay. Nhưng mừng chị em ruột rà một nhà sum họp sau 21 năm dì cậu trở về. Má tôi ngược ra Bắc cùng cậu tham quan thắng cảnh Hồ Gươm, Chùa Một Cột,… Con cháu lập nghiệp ở Tây nguyên xa xôi, lúc khỏe bà đều đến thăm, nhắc nhớ chuyện học hành làm ăn sinh sống. 

        Thời ấy, những bạn hàng bán mua như má tôi thường đi chùa, ăn chay, niệm Phật. Nhưng má tôi thì không. Cho đến bây giờ cả nhà tôi một mực tín ngưỡng thờ cúng ông bà, không theo tôn giáo nào cả. Cũng không tập tục đốt vàng mã. Chỉ quý vàng ngọc thời gian. Ai nói chuyện đến chùa tụng niệm, phóng sinh, xem bói, bà không chống lại. Nhưng sau đó khẳng định “Tu chi cho uổng tóc mai/ Không bằng em nhặt nhành gai giữa đường”(Ca dao). Bà mừng khi con cháu về thăm, có đứa đùa thằng em không về được, chỉ gởi quà cho bà. Bà bảo cầm về đi, một mặt hơn mười gói. Má tôi nói bằng tục ngữ, ca dao, cẩn trọng nhắc nhở “Trước hồ sen, sau hồ môn/ Tìm giàu thì dễ, tìm khôn khó tìm” khi con cháu chưa lập gia đình. 
        Má nói những ngày mua bán lên đèo xuống núi, hiểm nguy súng đạn, má nguyện cho mình khỏe mạnh được sống đi về bán mua suông sẻ, để còn nuôi mẹ (ngoại già mờ mắt) nuôi con, vui cùng con cháu. Năm má tôi tròn tám mươi bắt đầu ăn nhạt (rau quả) chỉ hai ngày: mùng một và rằm trong tháng là như vậy.
        Có lẽ, sau hai tháng, má tôi phải cố gắng lắm mới nghe được hát tuồng đêm rằm tháng bảy cuối cùng đời bà. Nên sáng sớm hôm sau biết cha đã đợi, má thanh thản, bình yên từ giã cõi trần ở tuổi chín tám, nén hai hạt nước mắt trong ngần chia xa. Lúc ấy tôi nắm hai chân má cho thẳng lại hơn. Tôi là con gái út của má mà không giống má là chuyện lạ trên đời.
        Rằm tháng bảy Kỉ Hợi- 2019 giỗ má tôi lần thứ năm.
        15.08.2019/ Nguyễn Thị Phụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét