Thứ Ba, 6 tháng 8, 2019

ĐIẾU VĂN -Nguyễn Thị Phụng.


                                 ĐIẾU VĂN


          Điếu văn là bài văn tỏ lòng thương tiếc đối với người mất, đọc khi làm lễ tang.
          Người mất luôn ở thế bị động, chẳng nghe được người sống viết gì về mình. Thực hư ra sao mà những câu sáo đẩy đưa như nào là không gì bù đắp được nỗi lớn lao mất mát cho người thân trong gia đình, nào là xóm làng từ nay vắng bóng … người tốt bụng, người thật thà, người mẫu mực, … kì thực ra từ lúc lớn lên, đi học đã làm những gì cho bản thân và gia đình, xã hội.
         Hôm nay 06.08.2019- sinh nhật Nguyễn Thị Phụng, lần thứ sáu mươi ba, tính theo tuổi Bính Thân (1956) là năm thứ sáu mươi tư trên cõi đời này. Từ lúc chào đời, bà mang căn bệnh hen phế quản, dẫu cha là thầy thuốc bắc cũng dừng lại cắt được cơn hen cho con gái mình. Mẹ là một tiểu thương, dặm đường đèo dốc sớm chiều mang về những bữa cơm cá canh ngon miệng. Cụ bà Nguyễn Thị Phụng là con gái út trong gia đình có năm nữ, năm nam. Vì bệnh từ nhỏ nên bà được cả nhà nuông chìu. Tính bà thích là chơi. Quyết là làm. Không ai cản được. Ở mỗi cấp học bà phải nghỉ ít nhất là một năm. Lí do đau. Thế là bà có nhiều lớp bạn.
          Ngày ra trường SĐSP Nghĩa Bình, bà đăng kí nhận công tác ở trường miền núi Phước Vân (Tuy Phước- Vân Canh). Cuối năm học bà thả thơ cho một tình yêu đầu đời, và lập gia đình cùng người bạn đồng nghiệp. Hiện giờ bà có con trai lớn còn độc thân, con trai nhỏ có vợ hiền và một cháu nội gái ngoan.
          Không đơn giản cuộc sống với những ngày Chờ lương (Gạo hết nước mắm hết/ Con thơ xin đóng tiền/ Ôi trước mà bị điên/ Giờ này sao được khóc)*NTP. Bà còn chạy chợ, nách cả giỏ  rau bán, mua về con cá. Rồi có những sáng sớm hè bưng ki cá phi ngang hông, khi được chỗ ngồi, bị bảo vệ đuổi. Trời không mưa mà khuôn mặt cứ đầm đìa rớt mờ đôi mắt. Những người phụ nữ chợ sớm sẻ chia con cá đứng bán trên tay… Có những đêm cuối đông một giờ sáng bên thau mứt gừng, mứt dừa. Chưa được bốn giờ, trời còn tối mịt, đạp xe thẳng đường phiên chợ 23, 28 Bình Định tìm chỗ không ai nhường… đành một tay ôm thùng mứt bán đứng giữa lối đi.
         Cái áo mặc cũng chị cho, cái nón đội đầu cũng chị cho. Hai đứa con được chị cơm nước chăm lo khi mẹ nó đêm ngày ở ao đìa. Mà trăm hay không bằng tay quen. Tay cũng không quen, trăm hay cũng không có, nuôi tôm ra cá. Vậy mới biết một nghề cho chín hơn chín mười nghề. Cuộc đời ăn mày đã dừng lại, bà tập trung lên lớp. Lúc mà chế độ tiền lương được nâng cao. Bà nhận làm thuê trang trí, viết bài những tờ bích báo trong khối kiếm ít đồng. Bà mở lớp dạy thêm ở nhà ít hôm, mà học sinh lơ là, bà cũng cho nghỉ.
         Hai mươi chín năm trong ngành, bà xin nghỉ sớm theo giám định y khoa mất sức 75% sau đợt phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ giới tính nữ. Bà trở lại nguyên vẹn dáng hình thuở xưa. Bà thiết tha đăng kí không hoàn thành nhiệm vụ, được nghỉ theo diện tinh giảm biên chế để kiếm ít đồng “du lịch” đó đây cũng không được, cuối năm học 2007-2008 là trở lại vị trí đầu danh sách tổ nữ công. Cuối cùng bà nghỉ theo chế dộ mất sức hưởng 72%.
        Với thời gian công tác, bà được nhận Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cảm ơn các con trai đạt học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh để cho bà cộng thêm Danh hiệu Giỏi việc nước, đảm việc nhà của Liên hiệp Công đoàn tỉnh.
         Nghỉ hưu bà trở lại trường cùng những tập sách làm phần quà tặng học sinh giỏi văn các khối, giỏi văn cấp huyện, tỉnh. Đơn sơ mà các em quý vô cùng. Có năm nghe kể lại “chị con thiếu 0,5 điểm, chị con khóc vì không được nhận quà cô Phụng” nghe mà thương. Mừng lớp trẻ còn ham đọc sách. Nghỉ hưu bà tham gia ủng hộ Khuyến học ở thôn xóm. Nghỉ hưu bà cùng các thầy cô giáo ra mắt Chi hội Cựu Giáo chức Phước Lộc cùng những việc làm có ý nghĩa.
         Những ngày nghỉ hưu, trái tim chưa hề biết hưu, trên tay luôn có tập sách, cảm xúc dâng trào trên những trang thơ, trang văn. Hối hả cùng dòng đời, cùng làng văn, bà xin giấy phép xuất bản tác phẩm. Vỏn vẹn với hạnh phúc đã có khi nghe điện thoại reo, bà bấm máy má nghe đây. “Anh chứ má nào”. À thì ra con trai út đem tiền nộp in tập thơ đầu tay của mẹ cho Nhà thơ Nguyễn Liên Châu ở Sài Gòn. Hạnh phúc tiếp nối với những tập thơ, văn. Hạnh phúc đã có khi con dâu mua sữa về bồi dưỡng cho mẹ. Cháu nội quấn quýt bên cạnh, nội uống sữa cho khỏe, nội chơi thả dìu cùng con, đi tắm biển với con,…
        Bà luôn đồng hành với bạn bè đồng nghiệp, anh chị em, con cháu tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong cũng như ngoài nước, dù là chuyến Campuchia đầu tiên trong đời mà bà yêu quý. Cộng với những đợt đi thực tế và Trại sáng tác Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhà cho bà trải nghiệm và đầy cảm hứng thi ca.
        Bà bằng lòng với cuộc sống đã có khi con trai ở tại nhà chở đến quán cà phê hò hẹn bạn bè.
        Nếu hay tin cụ bà Nguyễn Thị Phụng có từ trần vào giờ hoàng đạo trong ngày đẹp trời nào đó, tháng chuyển mùa nào đó, năm hết hạng yêu thương nào đó. Xin đừng ngạc nhiên, thương tiếc, bởi vé ưu tiên đi chỉ có riêng mình hoàn nguyên bên cha mẹ, tổ tiên. Tất cả là kỉ niệm chứa chan hạnh phúc khi nhìn lại đoạn clip bên nhau là có cụ bà Nguyễn Thị Phụng trong đó à nghen.
        Xin kính cẩn nghiêng mình thắp một nén tâm hương vĩnh biệt cụ Nguyễn Thị Phụng.
        Đây được xem như một điếu văn chưa./.
        Nguyễn Thị Phụng.


       
        

4 nhận xét:

  1. Điếu văn tự thuật cuộc đời. Hay đấy Phụng

    Trả lờiXóa
  2. Sao nghe đắng chát vậy chị

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn em. Vị nào cũng là nhịp sống cho ta yêu, ta trân trọng.

      Xóa
  3. Cuối ngày em vội viết, được anh sẻ chia là hạnh phúc rồi.

    Trả lờiXóa