Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

CHIM SỢ NGHE TIẾNG ÔNG NGƯỜI

            CHIM SỢ NGHE TIẾNG ÔNG NGƯỜI
           Trời sáng hẳn, những hạt mưa cuối cùng trong đêm cố bám trên mặt lá cây cũng phải rơi xuống khi cơn gió đầu tiên trong ngày khẽ đưa. Đã ba hôm rồi, anh Chào Mào mất ăn mất ngủ lo cô bạn gái thích tự do vi vu một mình để đi tìm tứ thơ đã  bị sa bẫy cũng chỉ vì tính hời hợt, vô tư, lại tham ăn nữa chứ!... Anh đậu trên cành dừa bên bờ sông trước ngôi nhà hay nói đúng hơn là một cái biệt thự nhỏ xinh xắn rợp bóng cây ăn trái. Mấy ả chim sâu lích rích chuyền cành rồi đưa cái mỏ nhọn hoắt mỏng manh hình cái liềm bới trong kẻ lá khi chú sâu con còn ngái ngủ. Cả họ nhà se sẻ rộn rã chích chích tự nhiên bám chặt trên đường dây điện rồi cùng nhau bay là là đáp xuống mặt sân xi măng, chưa được một phút lại cất cánh bay lên cả đoàn như đang đồng diễn thể dục buổi sáng trông đều đặn làm sao. Anh Chào Mào nóng ruột lắm chờ ông người đã bỏ tiền mua lại cô bạn gái của mình ra khỏi nhà với bộ đồng phục tươm tất. Khi tiếng xe xa dần, anh Chào Mào mới mạnh dạn cất cánh bay thẳng đỗ trên cành khế ngọt sát hiên nhà, đưa mắt vô chiếc lồng mây cất tiếng:
         
- Tối có ngủ được không em, đã ăn gì chưa, anh còn dành phần miếng mồi cho em nè!
        Cô bạn Chào Mào than thở:
       
- Làm sao đưa em ra khỏi chốn này, một ngày trong cái lồng bé nhỏ chật chội cứ ngỡ là đã nghìn thu ở ngoài, em thấy tù túng quá. Mặc dù nhìn ra vẫn thấy một góc bầu trời, nghe tiếng lá lao xao, nghe cả tiếng người gần gũi nhưng mà…
       
 - Nhưng mà sao em?
          Cùng lúc đó, cô Chào Mào thấy cái dáng thương thương gầy gầy tội nghiệp của bà người bước ra hiên. Cô im lặng.
          
- Nhưng anh nhìn thấy trong lồng em ở có trái chuối chín treo lơ lửng kia, có cả li nước nho nhỏ nữa phải không. Vậy là em yên tâm khỏi phải lo đói như anh ngoài này rồi!...
        
- Không, không đâu anh ơi, em thèm được đi tìm mồi cùng anh, cùng bay giữa bầu trời bao la kia, cùng anh đón gió trăng thanh anh có nhớ không?! Em sợ rồi phải khóc một mình như bà người trong biệt thự này!
          
- Ở biệt thự sao lại khóc?
       
-Vì trước khi ra khỏi nhà, ông người còn quay lại căn dặn: Tôi gọi điện thoại bàn là phải có mặt trả lời cho tôi nghe. Và canh chừng mất con chim trong lồng là chết với tôi. Anh có biết không, ông người có quyền nhất trong nhà, còn bà người trước đây cũng làm công nhân nhưng phải ở nhà sau khi sinh đứa thứ ba cũng là con gái. Nghe lời ông người, bà người đành ở nhà chăm con, bây giờ con bé đã học lớp mười rồi.
             - Trời đất, bà ấy ở nhà mười lăm năm rồi!
            - Vâng, mới ba ngày mà em biết hết trơn. Lúc đầu em còn tò mò nghe ngóng. Ông người làm quan lớn, hôm qua có đưa một bồ nhí về nhà, vừa bước vào cửa, ông người nắm tay bà người bảo: Mày vào phòng mở mắt ra thật to xem tao làm tình để rồi còn bắt chướt!... Em cứ sợ mình nghe nhầm, nhưng sau đó bà người trở ra hai mắt đỏ lắm, cứ sụt sùi sụt sùi ngoài hiên đây này!  Em sợ nghe tiếng ông người quá. Mà ở đây làm gì có bông gòn cho em bịt lỗ tai.
          - Này  nhé, còn hai ngày nữa sang tiết thu phân, em nhớ ăn uống cho no nê, nhìn chừng lúc ông người về, em đừng nhảy cành này sang cành kia hay ngong ngóng ra ngoài nữa, cứ đứng im đó, giả vờ ngủ.
           - Rồi sao nữa?
           - Từ từ, thế nào ông người cũng mang thuốc ra cho em uống, chờ cơ hội là em tung cánh bay nhanh, biết chưa!
           
Sáng chủ nhật, ông người thay thức ăn, mới ngạc nhiên sao chuối hết, chim không hót, hay là lũ thằn lằn, chuột lẻn vào xơi. Ông người hất nắp chốt, mở cánh cửa lồng, nắm trọn cô Chào Mào trong bàn tay “hộ pháp” của mình rồi rút tay ra khỏi lồng tha thiết: Chim ngoan nào! Uống thuốc cho khỏe, chứ ốm đau què quặt là ông quẳng vào sọt rác ngay! Một tay cố mở nắp hộp thuốc gia cầm nhưng không được. Ông người thận trọng đặt Chào Mào vô lại trong lồng. Một tay cầm lọ thuốc, một tay vặn nắp hộp, mắt vẫn không rời lồng chim. Bàn tay phải ông người lắc mạnh hộp thuốc lấy ra một viên nhỏ, giật mình…
       Cô Chào Mào đã tung cánh bay xa, bay xa…
                                01.9.2011/ Nguyễn Thị Phụng  
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét