Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

GIỮA MÙA THU DẤU YÊU

GIỮA MÙA THU DẤU YÊU
         Ngày vẫn nắng mà đêm lại mưa, mưa rây hạt làm thấm ướt tóc bay trong gió đêm cuối tuần của ngày 10.07.2011, khi bước chân vội vàng khắp nẻo phố giữa mùa thu về, nào cản được cuộc hội ngộ cùng văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh về thăm quê hương Bình Định. Mưa cứ mưa nào ai chắn lối bước chân người chật cả gian phòng sinh hoạt thường kì của câu lạc bộ Văn học Xuân Diệu Bình Định. Từ Phù Cát xa xôi Khổng Vĩnh Nguyên, Vân Hiền,… lướt thướt có mặt đúng giờ, Trần Viết Dũng cùng cây guitar và Kim Chi trên Tây Sơn xuống, còn tại Quy Nhơn như nhỏ Rêu ở phường Trần Quang Diệu một mình vượt mười cây số chỉ sợ “kiểm diện” không có tên, đến chị Lệ Thu từng vững vàng trong kháng chiến giờ ngồi xe taixi đến góp thơ chung vui chia sẻ. Và trẻ hơn hết là nhóm học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn, khi tiếng sáo “ Về Quê” của Nguyễn Cao Thống lớp chuyên tin vang lên cho cả phòng thưởng thức cung bậc tiếng lòng mình: Theo em anh thì về/ Theo em anh thì về thăm miền quê/ Nơi có một triền đê có hàng tre ru khi chiều về/ Ơi quê ta bánh ta bánh đúc/ Nơi thỏa thơm đồng xanh trái ngọt/ Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ/ Ơi quê ta dầu sương dãi nắng/ Phiên chợ nghèo lều mái tranh xiên/ Kìa dáng ai như dáng mẹ dáng chị tôi… Đã làm xao xuyến người xa quê lâu nay vào thành phố như Doanh nghiệp- Nhà thơ Thanh Tùng, Kim Thủy(Ca sĩ- trung tá đoàn NTQK7- Hội viên Hội âm nhạc VN) và Lê Sa Long(Giảng viên Hoạ sĩ- hội mỹ thuật VN)!...
 alt
      không khí sinh hoạt vui vẻ

Lê Sa Long giới thiệu tác giả và ca sĩ bài hát "Tia nắng hạt mưa"


    
     Về quê là về với Bình Định nghĩa tình, với dòng sông Côn thơ mộng hiền hòa, với đất võ trời văn của vùng đất địa linh nhân kiệt. Hay là về nghe biển hát ngày đêm cho màu nước xanh hơn, cho hạt muối trắng hơn đến ba năm vẫn còn mặn đó. Khi nhà báo nhà thơ Trần Quang Khanh chủ nhiệm CLB Xuân Diệu là người rất cẩn trọng ngôn từ nhưng lúc này lúng túng làm sao giới thiệu nhà thơ Lệ Bình(trưởng ban sáng tác chi hội nhà văn VN tại TP HCM- Hội viên Hội NVVN) “ cầm đầu” của đoàn VNS thành phố Hồ Chí minh để rồi theo sau là tiếng cười giòn giã, giòn giã không ngớt. Đến lượt anh Lệ Bình cũng xúc động gọi chị Lệ Thu một bút hiệu mới: Hoài Thu!... sau khi anh nghe lại bài Tia nắng hạt mưa của mình từ tiếng hát của em học sinh đến tham dự với tình cảm chân tình ấm áp. Và đây là lần thứ tư anh Lệ Bình về Quy Nhơn mới tiết lộ điều bí mật bút hiệu Lệ Bình (Anh chính là Phạm Văn Lệ và cô bạn gái yêu thương ngày ấy có tên là Bình) đơn giản như vậy mà nên duyên nên nợ suốt đời với anh. Trong đoàn còn có nhà thơ Thanh Tùng đã có kỉ niệm Từ Khúc Quy Nhơn được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thuần với giọng ngâm trầm lặng thiết tha nhung nhớ từ đoạn một: Ai có về thăm quê Quy Nhơn/ Cho ta nhắn gởi chút tơ lòng/ Đã bao lần lá hoa thay sắc/ Là bấy nhiêu tình –Ôi! Nhớ mong… Bấy nhiêu tình được khởi đầu từ tình con nhớ mẹ theo tiếng sáo ngọt ngào của Nguyễn Cao Thống  ngợi ca Lòng Mẹ của  nhạc sĩ Y Vân. Gợi nhớ nỗi niềm người mẹ khi phải xa con trong những ngày ở Trường Sơn 1974 của chị Lệ Thu: Mai khôn lớn con nghĩ gì về mẹ/ Con nghĩ gì về một chặng đường qua/ Con nghĩ gì về đất nước chúng ta/ Nỗi đau đớn xuyên rất nhiều thế hệ/ Không muốn lớn lên con phải làm nô lệ/ Nên bây giờ mẹ ra đi… /Tuổi bé thơ con chưa biết gì/ Riêng mẹ biết con rất cần có mẹ/ biết con thiệt thòi hơn nhiều đứa trẻ/ bởi thiếu bàn tay mẹ lo chăm/ Nhưng lòng con sẽ sáng mặt trăng rằm/ Khi lịch sử sang trang con sẽ nhìn thấy mẹ/ Khi Tổ quốc gọi tên từng thế hệ/ Trong vinh quang con không phải cúi đầu( Viết cho con). Lớp trẻ đang ngồi nới đây đã học được những nhà thơ, nhà văn đi trước biết sẵn sàng hi sinh hạnh phúc gia đình, cống hiến tuổi thanh xuân của mình khi Tổ quốc cần ta xung phong ra trận.
         Vẫn biết quê hương là câu hát dân ca nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta từ cái nôi à ơi của bà, của mẹ. Khi đi xa, ít nhất cũng được vài lần về thăm để nhớ , để yêu để chắt chiu kỉ niệm: “Tôi yêu quê tôi xanh xanh lũy tre, quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi. đường làng quanh co, sông thu êm đềm. Thả diều đá bóng nắng cháy giữa đồng. Biển trời mênh mông tôi bơi ngày ấy. Tiếng tu hú gọi thấy nhớ biết bao…”    được ca sĩ Kim Thủy cũng từ quê hương Tây Sơn nay công tác ở thành phố Hồ Chí Minh cứ thiết tha trong từng ca từ, trong ánh mắt trở về lục tìm tuổi thơ đi qua đời tôi ấy.
alt
       
       Còn Trần Viết Dũng vơi đầy kỉ niệm Về lại vùng tuổi nhỏ của mình: Một mình anh, một đốm lửa run tay/ thương biết mấy từng chiếc đèn thơ ấu/ Ở sau lưng những ngày theo cơm áo/ biết lấy gì gởi tới bé dấu yêu”. Cô bé dấu yêu KC anh gởi tặng ngày nào trong bài thơ ấy chia sẻ được những gì anh gởi đến chưa?! Những gương mặt quen thuộc Thu Thủy, Đào Thanh Hòa, Micay-Thỏcon, Nguyễn Thị Tiết, Rêu,… cũng cùng anh hòa vào vùng tuổi nhỏ của mình mà trân trọng nâng niu gìn giữ trong vòng tay có được. Cùng với MC Trần Hà Nam vừa là phó chủ nhiệm CLB Xuân Diệu, thì Lê Sa Long của đoàn VNS thành phố Hồ Chí Minh cũng là người Bình Định phối hợp thật nhịp nhàng khép kín cả chương trình. Nên khi mời Quốc Khánh, anh tâm đắc đọc thơ bạn mình: Hỡi những ai lưu lạc giữa cuộc đời/ Không nơi hôn nhau thì trong mơ sẽ có/ Dù Bãi Trước, Bãi Sau chỉ toàn sóng gió/ Hạt cát cuối cùng vẫn lấp lánh ngọc trai( Vũng Tàu của Hoàng Đình Quang-Trưởng chi hội nhà văn VN tại TP HCM- Hội viên Hội NVVN).

alt
Từ trái sang: Nhà thơ Mai Thìn, Lệ Bình, Đặng Quốc Khánh    

      Rồi Mai Thìn, Vân Hiền, Phan Văn Thuần tiếp những vần thơ truyền cảm muốn sẻ chia. Chị Kim Long- cô gái của Bắc Ninh còn giữ cho mình giọng ngâm trẻ trung mặc dù chị đã vào tuổi sáu mươi.Chỉ riêng Huyền Nhung: cây bút phê bình VH trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh lúc này lặng lẽ cảm nhận không khí sinh hoạt chân tình thân mật của anh chị em trong CLB Văn học Xuân Diệu. Ngoài những bài thơ được đọc, được ngâm, được hát, các anh chị còn sẻ chia cho nhau những kỉ niệm vui buồn trong nghề viết của mình. Nhưng tất cả để lại một dấu ấn đẹp khó phai là lễ trao thẻ hội viên từ đầu buổi sinh hoạt cho các anh các chị em ở thành phố Hồ Chí Minh tự nguyện xin gia nhập CLB Xuân Diệu Bình Định, hẹn sẽ về sinh hoạt thường xuyên, nhớ ngày giỗ Nhà thơ Xuân Diệu 18.12.2011 nữa chứ!
 alt
     Chủ nhiệm CLB trao thẻ hội viên
        Thơ còn thật nhiều, còn muốn được đọc cho hết, nhưng thay vào đó là bài hát Thành phố mười mùa hoa của anh Lệ Bình kết thúc cho thành phố Quy Nhơn với ngàn mùa hoa yêu thương khởi hương thắm sắc. Tiếng anh Anh Lệ Bình nhỏ nhẹ: hôm nay các bạn dành cho tôi quá nhiều rồi đó!...Dẫu biết còn một đêm nữa là đến rằm trung thu, trời vẫn cứ mưa, làm sao quên được Nguyệt Cầm của Xuân Diệu do Cung Tiến phổ nhạc. Anh Đỗ Ngọc Hoánh cùng với guitar trên tay lặng sâu vào khung cảnh tràn ngập ánh trăng mơ mộng cùng tiếng đàn, khi nhà văn Lê Hoài Lương đưa tay tắt bớt nút điện, lúc này một không gian mờ ảo hiện ra đã hòa quyện giữa trăng thu với tiếng đàn tỏa ra lan rộng, phải chăng Xuân Diệu đang vật lộn mình với cô đơn, anh khao khát cuộc sống đáng yêu này:
“Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân
Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh
Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh
Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…
Bốn bề ánh nhạc, biển pha lê
Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề
Sương bạc làm thinh, khuya nín thở
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”
                          11.9.2011/ Nguyễn Thị Phụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét