Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

NGÕ ĐỜI RỘNG HẸP VÔ BIÊN

NGÕ ĐỜI RỘNG HẸP VÔ BIÊN
          ( Đọc Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông,
tạp văn của Nguyễn Tấn Ái, NXB Thanh Niên 2011)

           Tôi thật sự tâm đắc với thầy Trương Vũ Thiên An: “…Mộc và nồng, tạp văn của Tấn Ái níu ta về ngàn vạn lần yêu thương. Níu, nhưng không làm ta ngã đổ giật mình- dù là ngã đổ trên bình yên ngõ về, giữa một mùa sim chợt tím thẫm cả chân đèo…” trong lời giới thiệu về tập Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông, tạp văn của Nguyễn Tấn Ái ( NXB Thanh Niên, 2011).
alt
      Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Tấn Ái ở Quế Sơn- Quảng Nam là những bài viết ngắn không gò bó thể loại, câu chữ. Anh cứ một mực chảy theo cảm xúc suy tư tuôn trên trang viết về cuộc sống thường ngày hay bình luận ngắn về một bài thơ, về một tác giả mà rất đậm chất thơ, đôi lúc có cách lập luận như thể văn biền ngẫu nhịp nhàng cân đối có sức cuốn hút kì lạ kể cả ngay từ việc chọn tựa đề cho tập tạp văn nữa.
      
       Là nhà giáo dạy văn nên văn phong của anh cũng rất chuẩn mực.Anh bền bỉ chịu khó dành riêng cho mình khoảng thời gian nào đó để viết đầy trách nhiệm. Với năm mươi bảy bài trong tập là năm mươi bảy tản văn rộng theo từng thể loại được cân nhắt thận trọng trong từng câu chữ xúc tích, cô đọng theo kết cấu từng bài một. Lúc như tự nhủ bộc bạch lòng mình, lúc như sẻ chia tâm tình, lúc thâm trầm sâu lắng khi cảm nhận tác phẩm văn chương. Từ “ Chuyện Mẹ Tôi” (tr.7) đọc ca dao: Ngồi buồn đốt một đống rơm/ Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào/ Khói lên đến tận Thiên Tào/ Ngọc Hoàng phán hỏi: “ Thằng nào đốt rơm? ”…Còn anh ngây thơ hỏi mẹ: “- Ngọc Hoàng sao xược thế, sao lại xưng hô thằng con mà chẳng chút lễ nghi? Mẹ cười xoa đầu tôi, mà câu trả lời như chẳng chịu trả lời cho con trẻ: - Mũ cao áo dài nhọc lắm, thằng con bỗ bã thế mà vui”…Phải chăng chỉ có trẻ con mới dám vặn hỏi điều mà người lớn còn e dè, ngần ngại, thận trọng. Rồi từ đấy anh tìm ra hướng trả lời “ Tôi hy vọng những người con của mẹ sẽ biết lọc trong gia tài mẹ để lại ấy một tinh thần lạc quan”. Hay khi “ Kể Chuyện Tôi”(tr.10) về kỉ niệm tuổi thơ còn lại vết sẹo trên tay, khóc theo mọi người trong nhà ngày chị đi lấy chồng, lúc mười hai tuổi cũng biết cái Tết buồn hắt hiu khi cha vừa mất. Rồi mẹ ra đi trước ngày Giáng sinh năm anh đã bốn mươi tuổi để nhẩm hoài câu thơ của Đồng Đức Bốn: “Đưa mẹ lần cuối qua làng/Ba hồn bảy vía con mang vào mồ/ Mẹ nằm như thuở còn thơ/ Mà con trước mẹ già nua thế này”. Với anh tất cả thành “ những vết sẹo buồn, mà mỗi lần soi vào tôi lại thấy với ngày, với tháng, với năm…” cứ hằn sâu trong anh, liệu anh có đủ vững tin yêu  ấm lòng nếu không có những vết sẹo vui vui khi anh đi nhậu để lại đi động ở nhà…rồi chuyện vỡ ra với mật mã: “người tình trăm năm” có cả nụ cười và nước mắt trộn lẫn tíu tít: Anh hà, anh hí của người vợ thật dễ thương kia! Cái tính kĩ lưỡng của nhà giáo là nếu không ghi chép lại sẽ mất đi, đâu còn gì để lưu để nhớ lại một thời. Tấn Ái cũng đã từng tâm sự: “…Muốn yêu người thì phải biết yêu mình. Tôi nghĩ mọi người cũng thế, cũng có quyền yêu mình bằng một vài dòng nhật kí, là kiểu bắt buộc mình phải có ý nghĩa với mình. Mà đó cũng là quyền dân chủ, cũng nên tận dụng” (Tr.13). Anh nhớ lại những ngày còn học phổ thông: “ Quà của thầy giáo dạy văn cũng đáng kinh ngạc. Điểm thi môn văn: Thịnh mười, Thảo mười, Bản mười, Sơn chín, điểm chín. Vài ba con tám, có con tám giờ tập tễnh học viết văn, tập tễnh học yêu đời, học ngạo đời, học cung kính và khinh mạn. Mà con điểm mười trong túi thầy vĩnh viễn nó không giành được”(Ngày của văn chương/ tr. 206). Với anh tất cả muốn biết là đều phải học bởi tục ngữ đã dạy: “học ăn, học nói, học gói, học mở” là vậy. Điều ấy cũng thật khó lắm, đâu dễ gì thực hiện nếu không biết yêu mình!... Có phải anh yêu mình hơn  thuở đôi chân từ núi đồi Quế Sơn ra kinh Huế học mà sao đã biết “ cảm ơn muội đã thắp trong hồn anh ngọn lửa, để anh không chịu bằng lòng, để một lần khát cháy hết mình, khao khát sáng lên. Dù rất biết hữu hạn cuộc đời… Và anh gọi đó là tình yêu” ( Ngày xưa tiểu muội/ tr22). Phải chăng ý thức từ lí lịch nông dân của ngàn đời nay đâu chỉ cần cù chịu thương chịu khó còn rất đôn hậu nhân từ cho anh trân trọng nâng niu gìn giữ. Cái giá “ Bạn của ngày xưa/ tr24: Vậy mới hay những thú vui tao nhã cũng là quý cái tâm sáng, cái tầm cao, cái nhân, cái phẩm của người tri kỉ. Mới hay cổ nhân kén bạn. Mà kén bạn thì quý bạn”. Hay là “ Chờ cho đá biết tuổi vàng là lòng ta chờ bạn” (Tr.32).
       Những cảm xúc tình bạn, tình đời như thôi miên bằng những câu văn mườn mượt chảy vào người đọc chỉ ra “ Triết lí thằng Bờm” (Tr.36) nào có đầy vơi khi hạnh phúc ở quanh ta. Hạnh phúc là sự thỏa lòng. – Hạnh phúc là gì? Là cơm áo? Là tri thức? Tấn Ái nhận ra hạnh phúc và đớn đau đan xen đắp đổi như thế nào: “Rồi mỗi bước một dần xa. Bầu vú thì xa rồi mà sữa đời thì đắng lắm. Những phong trần đày đọa lên dáng con ngổ ngáo tục tằn, những bước đi nặng gáng đời cứ vồng lên những bước chân, không còn chập chững thuở ấu thơ mà sụp xuống chới với hơn cả ngày xưa lững chững, con còn sống đây là tựa vào niềm tin mẹ với tình yêu bất diệt” (Những vần thơ tặng mẹ/ tr 55). Có lẽ những tháng năm tuổi thơ được sống bên mẹ, có lẽ những ngày tháng đến trường đã tích góp cho anh vốn liếng thanh bạch trong nhân cách, trong xử thế ở đời làm nên nghĩa khí ở người thầy dạy học biết làm thơ viết văn như anh. Mục đích vẫn là biết yêu mình, yêu người, yêu cuộc đời viết là lưu giữ cảm xúc chỉ sợ mất đi khi ta ngồi nhớ lại.
        Tản văn Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông của Nhà giáo Nguyễn Tấn Ái được nhân rộng theo nhiều mảng góp nhặt từng ngày đêm theo mùa đi qua, lúc nắng mưa gió bão đổ về, lúc trời quang mây tạnh…cả trên con đường Về Quê Nghe Tiếng Chim Bắt Cô Trói Cột / tr168, rồi từ đó “ Cần Có Một Tấm Lòng”/ (tr.87), nhân lên đó là ứng xử văn hóa: “Và trong suốt cuộc trần gian còn có những tâm hồn biết thắp lửa sưởi ấm đời nhau” (tr 89) cho ta yêu lắm cuộc đời này. Anh cũng thực sự đau lòng khi “Bão miền Trung”(tr119) hết năm này đến năm khác để lại những hậu quả không lường, thế nhưng con người miền Trung tự mình đứng lên lấy lại niềm vui trong cuộc sống. Mỗi ngày có biết bao nhiêu điều cho ta học, cứ một ngày đàng là một sàng khôn kia mà, anh hiểu “ Ôn cố tri tân” biết “ Đọc lại ngày xưa”(tr192) gắn bó luyến lưu những mất còn của tình bạn, tình người phải đâu là xa xót! Từ là học trò đến khi làm thầy, anh hiểu và yêu hơn học trò của mình. Chỉ ra những thiếu sót, những lổ hỏng kiến thức cần phải bổ sung. Anh kể: “ Một lần chấm bài, đề tài có liên quan đến hai tác giả là Tú Xương và Hồ Xuân Hương, một học sinh đã đặt một nghi vấn văn chương đến nổ đom đóm: Không biết đương thời Tú Xương đã gặp Hồ Xuân Hương chưa?Người chấm giật mình. Hóa ra các học trò chẳng cần quan tâm đến các năm sinh của các tác giả nên mới có những câu hỏi động trời như thế…”(Khơi khơi với vài con số. tr.177). Chúng ta sao không khỏi nhịn cười, nhưng trong cảm nhận của học sinh có thể Tú Xương đã gặp/ đọc qua tác phẩm của Xuân Hương chưa!...Và nếu như các em biết hết thì đâu còn lúc  chuyện trò để thầy cô giáo than phiền càng ngày học sinh lười học môn văn!
          Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông không chỉ dày về mặt số lượng 244 trang vẫn còn ít hơn tháng ngày chắt chiu con chữ chân tình, dành trọn vẹn yêu thương của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Tấn Ái gởi đến với chúng ta như góp nhặt tích lũy kinh nghiệm quý báu nhất trên đời này. Anh lo “ Tiếc công cầm vàng. Là tiếc cái vun đắp, tiếc cái hoài bão, tiếc cái thâm tình”(Cầm vàng mà lội xuống sông/ tr.28). Rồi cũng theo anh: “Dòng sông cuộc đời chảy dọc, có mất mát mới là đời. Đừng có té sấp té ngửa vì thiệt hơn mới là bản lĩnh. Và, cần nhất, bận bịu một chút với ngày qua để thực là người, để xứng là người”(tr.31).
         Văn cũng là người, phong cách văn chương cũng thể hiện đức tính con người. Có đọc hết tạp văn Cầm Vàng Mà Lội Xuống Sông ta lại càng tin yêu trân trọng tấm lòng của tác giả đã miệt mài không kể sớm chiều sáng tối, viết như thể sợ không kịp chuyển tải những gì quý báu anh lượm lặt giữa đời này. Quả: Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng. Tiếc vàng rơi là chuyện bình thường, nhưng tiếc công cầm vàng đó chính là giá trị của vốn quý trong kinh nghiệm sống cần được đúc kết sẻ chia. Một bài học chiêm nghiệm về lẽ đời cần duy trì gìn giữ.
                                       30.8.2011/ Nguyễn Thị Phụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét