Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

CHUNG MỘT ĐƯỜNG VĂN,Nguyễn Thị Phụng


CHUNG MỘT ĐƯỜNG VĂN
           (Đọc Văn trẻ Bình Định, Hội VHNT. Bình Định, NXB Vh-Vn. 2018)


           Không là sự phân biệt, khi tập sách Văn trẻ Bình Định (2012- 2018) của Hội VHNT Bình Định ra mắt bạn đọc, phải chăng thành tựu văn học Bình Định hòa cùng dòng chảy văn học dân tộc của 20 năm đầu thế kỉ XXI. Đành rằng miền đất văn chương bao đời đâu thể khiêm tốn 400 trang sách cả thơ, văn xuôi dành cho 22 tác giả trẻ sinh sống nơi đây, quả là sự nhọc nhằn của người biên tập và tuyển chọn.
         Dấu mốc độ tuổi dành cho văn trẻ không quá bốn mươi. Từ những học sinh ở bậc THCS, bậc THPT, bậc ĐH, và đang đi làm ở mọi ngành nghề khác nhau. Chính vì thế nên có sự đa dạng thể loại và đề tài, sự tinh anh phát tiết ra ngoài trên từng trang sách. Có thể nói trong tập:
         - Chuyên truyện ngắn tập trung 7 tác giả: Trần Thị Hân, Nguyễn Nữ Thùy Linh, Trần Thị Tuyết Mai, Nguyễn Anh Nhật, Lê Hứa Huyền Trân, Nguyễn Đặng Thùy Trang, Lê Thị Cẩm Tú.
        - Chuyên thơ: có 12 tác giả: Phạm Ngọc Yến Anh, Nguyễn Văn Bút, Phạm Quyên Chi, Lê Văn Đồng, Nguyễn Vũ Hồng Khương, Lê Văn Linh, Nguyễn Văn Phi, Nguyễn Thị Bích Phượng, Trần Văn Thiên, Trương Công Tưởng, Khổng Vĩnh An Vi, Trần Thị Hồng Xuân.
      - Cả hai mảng truyện ngắn và thơ: có 3 tác giả: Nguyễn Lê Thu An, Thiên Nga Sô Zuôn, Nguyễn Thị Mỹ Tiên.
          Điều đáng quý ở tác giả Trẻ - trẻ trong cảm xúc để làm nên những tác phẩm đến với bạn đọc- người tiếp nhận yêu hơn những góc nhìn cuộc sống đôi lúc đau đớn, chật vật, chông chênh, vẫn giữ được tấm lòng san sẻ qua từng cốt truyện và những tứ thơ.

         I. Thơ trong Văn trẻ Bình Định giàu chất liệu thi ca trữ tình, mạch tự sự nhiều cung bậc khác nhau. Từng khoảng trời riêng nơi quê nhà với tuổi thơ hay góc phố với tuổi tình lớn lên. Ắt hẳn mỗi bạn trẻ cứ mênh mang nhịp đập trái tim theo mùa thời gian, náo nức cho mỗi tứ thơ vẫy gọi.
         a. Một chút tình được tự do đóng khung những tựa đề: Bài 3, Bài 7, Bài 10*. Khi là 9 đoản khúc*, đúng nghĩa “rời” quẫy cựa chẳng còn vẹn nguyên, sự mất mát đổ vỡ  ngỡ lăn theo dòng xoáy bụi trần, nhưng khi: “Tôi hôn vào nắng sớm/ Không dấu vết/ Lại đi tìm/ Đôi chân nhỏ khi xưa/ Ngoài kia tháng bảy thôi rơi tôi ngồi lưng chừng/ Hạ bừng tỉnh từ trên cao hoang tưởng/ Mình cắp được trái tim/ Chính mình”(9 đoản khúc- Nguyễn Văn Bút). Sự vị tha là phần thưởng duy nhất tặng những tâm hồn lương thiện. Bên cạnh Nguyễn Văn Bút, mùa tháng bảy thôi rơi, sao lại hòa vào Khúc dương cầm tháng Bảy *(Nguyễn Lê Thu An- Đông Dương, Tiểu Phong): “Những tiếng đàn nức nở khô ran” để rồi: “Tháng Bảy đọng lại trong mắt em sũng ướt/ Tiếng gọi từ giấc chiêm bao cất lên đau buốt/ Chỉ có đêm/ Và đêm/ vô chừng mực// Em lẳng lặng nhìn/ những khúc hát bay lên”. Không chỉ thơ, Thu An với hai truyện ngắn Chấp chơi Bắt lấy những ngôi sao* khá ấn tượng. Riêng ở Phạm Quyên Chi với Ba và tháng Bảy* ngỡ đơn côi trong nỗi buồn trào dâng khổ thơ đầu đầy hình tượng: “Thấy trời đục ngầu ngọn lau khô/ Thấy con sông ẵm đứa em gái ra trông mùa nước lũ”, nhưng sang khổ cuối bạn đọc nhận ra sự khát khao, nuối tiếc lại đong đầy yêu thương: “Ngày ngày/ Người đàn ông gánh đứa con mình đi qua những sắc màu”. Một Nguyễn Vũ Hồng Khương (Kha Nguyễn)chùm thơ: Viết cho mùa tựu trường, Tháng Năm, Tháng Bảy, Tháng Tám* cho chút  nhớ nhung luyến tiếc: “Tháng Bảy rừng hoang mùa cỏ dại/ Tay ôm không xuể món quà thơ/ Mũ nón đầy sim, ngọt chà là , dú dẻ…/ Giật mình,/gói lại,/ một giấc mơ…”(Tháng Bảy) không xa những ngày hồn nhiên thơ bé. Lê Văn Linh (Lê Ma)lại chững chạc hơn: “Sài Gòn, ta bắt gặp ta/ Giữa đời em buồn quyện khói/ Nhuốm màu tương giao đứng tuổi/ Ta qua miền khát chân người”(Chào tháng Bảy). Riêng Lê Văn Đồng (Tiểu Mục Đồng)nhọc nhằn mồ hôi trong căn phòng chật hẹp, chen chúc nơi phố thị mưu sinh khi tiết trời nóng cháy, ngột ngạt phải đối diện “người đàn ông với nước da có màu mắm nhỉ”, đớn đau mà tử tế: “ông thả điếu thuốc rơi vào li nước: “sao không đi xa hơn” trong một hiện thực mơ hồ xao động nuối tiếc “chào bố”(Câu chuyện đầu tháng Bảy).

        b. Thơ – trong Văn Trẻ Bình Định được lí giải từ một không gian quen thuộc nào đó, dẫu mong manh lan tỏa, khó nắm bắt tầm tay. Chẳng hạn sự khởi đầu một “Làn khói chui ra từ góc bếp” mở rộng biên độ nghi ngút, lan tỏa theo gió hòa vào đất trời bằng liên tưởng phong phú rất hữu hình, tồn tại khẳng định: “Làn khói không có chân/ Mà lửng lơ lửng lơ theo gió/ Không/ Tôi sẽ không như làn khói/ Sẽ tự bước đi bằng chính đôi chân mình/ Chạm đến ước mơ”(Làn khói- Phạm Ngọc Yến Anh- Hoa Tuyết). Chùm thơ năm bài Nguyễn Thị Bích Phượng (Mộc Thủy) gọi mời đầy thi vị những khát khao(Tam Quan quê em, Có những ngày, Tiếng sáo tuổi thơ)*, ngỡ huyễn hoặc lối vào Đêm*: “Hồi sinh một linh hồn” đầy bất ngờ, không còn là thảng hoặc Đêm về thành phố* đã thật sự độ lượng chở che “vết thương số phận” và mở ra thanh âm thường xuyên bền bĩ lắng đọng: “Chỉ còn tiếng chổi của người lao công/ Đối thoại cùng thinh lặng”. Đồng tuổi với Yến Anh trẻ lắm, ta bắt gặp người con xứ vạn Gò Bồi- quê hương Xuân Diệu, viết về đời Chị* đắng đót niềm đau, lưa thưa sông vắng chợ chiều xác xơ, cô độc: “Chị hát ru em bằng ngọn đèn dầu yếu ớt/ Bằng những cọng tóc dài như đọt rau sót lại lúc chợ chiều đã vãn/ Bằng tuổi trăng khuyết tròn một lời ru gầy rạc/ Nhánh sông lịm dần trong ngồn ngộn sóng nước/ Chiều hôm ấy mẹ nhổ chiếc sào tre ngược dòng hái vầng trăng cuối bãi/ Mấy mùa trăng rồi mẹ vẫn còn ở đó…”(Chị*- Trần Văn Thiên). Còn ở Nguyễn Văn Phi (Vân Phi) sẻ chia cực nhọc ở “chị, một người con gái Bắc/ lỡ thương anh, làm dâu xứ nhà Rầm/ …/ bữa cơm nghẹn đắng những ngày nắng oi biển phả mùi nồng nặc/ mùi ẩm mốc của rác phơi làm người phụ nữ trong bữa ăn trào nước mắt/ chồng chị, vẫn biệt khơi xa”(những ngày tay đói bàn tay*). Chờ đợi và đợi chờ thường trực phập phồng theo con sóng những người vợ có chồng ra khơi. Với người, biển là nguồn thu khôn tả, nhưng cũng trả lại cho người những ngày tay đói bàn tay!...

         c. Tiếng thơ chính là tiếng lòng của Trần Thị Hồng Xuân(Phương Phương): “Ta chia xa từ độ/ Tình yêu còn đương xanh/ Chưa tròn nguyên đã vỡ/ Bởi ta quên chân thành”(Ru ta ngày nắng nhạt)* chỉ tự trách mình Lỡ hẹn* có thể đã nhận ra, rồi tự bồi đắp chính mình bằng những bài lục bát chỉn chu: Vá nửa vầng trăng, Nhớ mùa tuổi thơ, Ngày xưa ơi…*. Nói tới thể thơ lục bát trong Văn trẻ Bình Định, thì không thể thiếu Khổng Vĩnh An Vi (Viễn Trình) ngọt ngào lắng đọng:“Giếng quê mạch sạch gạo làng/ Em ngồi vo những vô vàn tình anh/ Dựng lều hai đứa ngồi canh/ Cơm trào sóng bể rát gành mây bay”(Gạo vo thành tiếng cơ cầu)*, nhịp trái tim còn mở ra Trước Tacloban*(Thành phố của Philippines bị bão Hải Yến tàn phá năm 2013): “Nhân dân em lầm than, nhân dân tôi đồng cảm/ Nghĩa tình chung hạt muối biển Đông/ Tình nhân dân tôi gửi em, tình nhân loại gửi em/ Chắc sẽ ấm trung khơi sau đêm bình địa”. Một tứ thơ tự do rất phong cách ở Trương Công Tưởng đầy ắp sẻ chia:“cha cõng tôi qua ngày nắng dịu dàng/ thơ ấu tiếng chim buổi sớm/…/ cha cõng tôi qua cánh rừng già/ đại ngàn vạm vỡ như vòm ngực cha/…/ cha cõng tôi lên nương/ ngày sắn khoai mắt người mong mỏi/…/ cha cõng tôi qua những bể dâu/ bàn tay chai sần theo năm tháng/…/ tôi sợ đến ngày tôi phải cõng cha đi/ đại ngàn vẫn xanh bên những nhánh cây rừng héo hắt/ trái bồ quân chín rụng vào ngực đất/ thung lũng cô đơn như mắt một người”(Giấc mơ của cha tôi)*.

       II. Truyện ngắn trong Văn trẻ Bình Định được xây dựng từ mảng hiện thực đời sống với nhiều tình tiết khác nhau tạo nên sự đa dạng cốt truyện, cách kể và vấn đề đặt ra cần trao đổi, bàn bạc.
       a. Ở Trần Thị Hân với hai truyện ngắn luôn làm xáo động lòng người. Với Biển ơi*(tr.79)- biển không có lỗi mà tự con người. Hãy biết buông bỏ vụn vặt mà xích lại yêu thương. Với Quyên*(tr.90)- Số phận người luôn nghiệt ngã như cô bé bị ung thư tủy, nhưng được đồng cảm sẻ chia: “Tôi cắm bó hoa vào một chiếc lọ sứ mà người mẹ đã mất của tôi tặng. Bà cũng mất vì bệnh ung thư tủy, cũng thích ngắm mưa và thích những loài hoa dại. Vẫn màu trắng. Tôi nhìn những cánh hoa khẽ rơi trên chiếc bàn gỗ cũ. Những cánh hoa ướt long lanh, những cánh hoa úa tàn nhạt nhòa… Tôi khẽ lau giọt nước mắt nóng hổi lăn trên gò má lạnh. Tôi khóc cho em hay cho người đã khuất? Tôi sắp xa em. Mãi mãi”.
       b. Với hai truyện ngắn Nguyễn Nữ Thùy Linh (Phong Linh, Chuông): Có chung một chủ đề tình yêu trong sự lí giải được mở ra với những ai biết nhìn đúng vào sự thật, hòa nhịp trái tim mình, yêu cả nét riêng của người mình yêu như: Vì đó chính là em, Một ai đó đang đợi em.   
        c. Truyện ngắn Trần Thị Tuyết Mai đầy ngột ngạt ám ảnh. Như Mộ gió*- cho sự áp đặt chỉ là một quan niệm về cách sống giàu nghèo, vô tình đẩy đưa con cái không lối thoát. An phận cũng không thể. Hay Trong một thế giới*(tr.139) Ngợi ca bản chất số phận con người ở trại tâm thần từ đâu mà có. Bởi họ chính là nạn nhân gia đình, xã hội. Nhờ vào sự hồn nhiên vô tư và phép màu mà đứa bẻ cảm hóa được “người mẹ” thứ hai kia như truyện Trong một toa tàu.
         d. Riêng Thiên Nga Sô Zuôn không chỉ phong phú với chùm(6)truyện ngắn gom lại sinh hoạt từ bản làng miền cao đã bị cái xấu rập rình xâm thực như Nợ *(tr. 192). Nhưng sự đối lập hai tuyến nhân vật song hành đỉnh điểm. Cái thiện- tốt đã được mở ra. Những tập tục cổ hủ chưa được tháo gỡ, phụ nữ không được bảo vệ, lời nguyền tiếp nối như Chiếc lá lời nguyền*. v. v… Nhà văn còn sáng tác thơ sẻ chia vẻ đẹp của phụ nữ Ba Na từ Cô gái hái bông* lao động cần cù, đến nhân vật lịch sử bi hùng Khóc vợ Nguyễn Nhạc*, biết ơn thế hệ cha ông đã ngã mình cho đất nước như Người chú chưa biết mặt*.

       đ. Nguyễn Anh Nhật (Liêu Hoài An) với truyện ngắn Nhà xác*- chỉ là nơi giam hãm “thằng người” từng bị hoảng loạn tinh thần từ thế giới thực tại làm biến dạng tâm hồn. Đau thương thân phận người bên quán đời lui tới qua Chạy duyên* để đón nhận hạnh phúc đến với những điều có được?!... Liêu Hoài An dẫn truyện từ một cậu học sinh lớp sau, mở ra một Mùa lạ* trong gia đình, phận người đang bị cô lập như T. Bữa tiệc 5 đô* trên đất bạn, cũng là cách sẻ chia nhọc nhằn người Việt mưu kế sinh nhai, bất ngờ, nếu không có cái kết ấm áp yêu thương.
       e. Nguyễn Thị Mỹ Tiên già dặn trong việc dẫn truyện, chú tâm khai thác nội tâm nhân vật từ một Chiếc bóng*- đêm ngày với đa dạng chập chờn ẩn hiện lan tỏa trong ngôi kể thứ ba. Ngỡ chú trọng ngôi thứ nhất “tôi” trong Tĩnh vật* tự tư duy, độc thoại, nhưng là nhịp nối âm thanh “Những tiếng trẻ thơ trong trẻo chui ra từ khắp các ngóc ngách trong phòng. Tôi rượt đuổi chộp bắt lấy từng tiếng cười ấy như đang bắt từng con muỗi trong không trung…” day dứt. Đọng lại “Mỗi sớm mai thức dậy tôi đều quên tất cả, và những tiếng khóc vẫn thổn thức  đâu đây, bên đây hay bên kia bức tường” (Bên kia bức tường)*. Truyện ngắn giàu suy tư, nên khi cảm xúc thơ đầy triết luận “Nếu anh yêu em/ hãy bảo biển nên im lặng/ anh là kẻ giữ điều bất tử/ buổi chiều nằm ngoài số phận của thời gian/ con sóng không sống để tàn/ không uống bầu trời để nối lời tạm biệt”(Nếu anh yêu em),…
      g. Lê Hứa Huyền Trân (Hương Tố Trân), chú tâm cốt truyện bằng các mối quan hệ tình yêu trong số truyện Ngoại tình, Gã và nàng, Mối tình đầu*. Mâu thuẫn là đỉnh điểm mở ra cái kết yêu thương hàn gắn, trở về của “nàng”như trong truyện Chuyện tình của gã*.
       h. Nguyễn Đặng Thùy Trang (Mẫu Đơn) đều tay đến 7 truyện ngắn được chọn, cô đọng trên mỗi tựa đề. Văn Mẫu Đơn thiên về tả, kể, tâm trạng nhân vật, linh hoạt dẫn truyện thu hút người đọc giữa đời thường và sân khấu không là khoảng cách không gian, thời gian, còn là nhu cầu cuộc sống. Như ở Nguyệt* “Cắt tóc chẳng có đi đâu, cái quán thì nhất thiết không xê dịch, nhưng mà khéo tay cắt, khéo miệng cười đùa, khéo đẩy đưa mà lại chân tình thiệt sự nên mới hay là cái quán không đông nhưng khách cũng kéo nhau tới lần lượt…”. Như ở Kịch*: “Ở nơi đây, qua cái giờ sột soạt của những người quét đường và cũng thỉnh thoảng chớp nháy những đèn xe đi bão, tôi thấy một sân khấu quay mình, cứ như mặt trái của tấm màn nhung rủ xuống để đón những ánh mắt đợi chờ người ra diễn…”
       i. Lê Thị Cẩm Tú (Tú Lê, Châu Trúc) với cách viết mang dấu ấn trữ tình, hơi văn liền mạch  “Tuổi thơ chúng tôi như một màu nắng thủy tinh, pha lẫn những giọt sương còn đẫm mình trên kẻ lá. Nhìn thời gian trôi nhanh giốn như một cơn gió vờn nhẹ, lướt bay làn tóc mây mỏng manh”(Một cánh mai vàng*). Nuối tiếc Một thời đã qua* cùng những gì được mất trong nhìn nhận chính mình. Hay Mưa hoa ven đường* đậm những kỉ niệm đã xa, sẻ chia một chút Vị ngọt hồ tiêu*.

         Dù là truyện ngắn hay thơ, Văn trẻ Bình Đinh (2012- 2018) kịp thời ra mắt bạn đọc là một tín hiệu vui cho người tiếp nhận. Như là sự tiếp nối, duy trì văn hóa đọc- thông qua trang truyện, bài thơ. Phải chăng Bình Đinh là cái nôi văn chương, nhưng điểm đến bộc lộ cảm xúc và tài năng được rèn luyện từ trong nhà trường thông qua những tiết học làm thơ, viết văn, trừ những năng khiếu thiên tài cũng cần phải rèn, đọc. Văn trẻ Bình Định đâu chỉ góp vào chương trình Văn học địa phương ở mỗi cấp học trong tỉnh nhà thêm phần phong phú, mà bước đầu tỏa sáng cùng chung mạch đường văn đất nước./.
                                                                          Nguyễn Thị Phụng.
__________
*Tên các bài thơ trong tập

       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét