Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2019

Ủ ĐÊM KHÁT HẠT NẮNG GẦY, Nguyễn Thị Phụng


                           Ủ ĐÊM KHÁT HẠT NẮNG GẦY
             (Đọc Ngựa núi, tập thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên, NXB. HNV- 2009)


      Xin trích nguyên đoạn: “…Thế giới của tôi vô số những mảng màu lẫn lộn vào chiếc màng nhện quá khứ và ngày mai. Trên khung cửa đời người, giữa cái náo động đến và đi tôi lặng im, mặc cho cảm xúc ngân rung tột cùng để biết rằng trái tim vừa thắp lên ngọn lửa bắt đầu cho một hành trình lặng lẽ/ thơ đến với tôi như người bạn đồng hành, khao khát hòa tan, khao khát yêu thương, và chờ đợi…”(… và tôi/ thay lời tựa)*. Khởi đầu Ngựa núi là “ Đêm trở giấc/ nhớ/ chơi vơi. Nghe mưa rụng hột/ buồn rơi rớt buồn” bật cái buồn nguyên sinh “Giọt sương ngậm nắng xuân mềm/ Chừng như thấm đẫm một đêm mưa nguồn”(Mưa nguồn)* của nữ sĩ tài hoa ấp ủ đêm khát hạt nắng gầy chính là chủ đề Ngựa núi ngỡ “đêm trầm mặc/ rưng rức dõi tìm” chùng cương mà lại “giật phắt lên bằng tất cả sức tàn/ hít căng ngực gió/…” bức phá cả tập thơ này.

           Khoảng khắc thế giới tâm hồn thi nhân đa chiều. Không chút dựa đẫm siêu hình phù trợ, theo nhịp trái tim, con chữ phơi ra nghe chừng khoáy động nghiêng về mảng đêm. Chỉ có đêm mới thỏa sức vẫy vùng. Bởi ngày đã cật lực áo cơm, nên người đọc dễ dàng đồng cảm không là nỗi buồn chông chênh, kết nối ê chề, nhưng thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên ở tâm thế cựa quậy. Nữ quyền thật sự bình đẳng trong thơ chị. Dẫu là ngày, thì ngày với lá thông kim quyến rủ xa xót mê hoặc “… tôi vọc thời gian trong ký ức cuộc đời/ kiếm tìm mệt mỏi/ triền đồi túa những lá thông kim/ chân trần tứa máu/…/ những hình kim trên đồi thông kim/ nhói đau theo gió qua đồi/ tôi một mình xa xót tôi…”(Đồi thông kim)* cho tứ thơ nguyên vẹn, hạnh phúc ùa về với người sáng tác. Đúng vậy, dòng chảy của thơ là sẻ chia bắt nhịp, trở lại vùng đêm thầm lặng, nhưng tự trong sâu thẳm màng đêm ấy, lai láng ùa về “ Đêm/ khảm lên cánh đồng hoang/ những con gió biến động/ nước lắp xắp/ ngọn cỏ đẫm mình thao thức/ hai bờ đổ hạt/ con cá nhỏ búng mình đớp vệt sáng băng qua” (Đổ cảm)* là sự khám phá thăng hoa có cùng chủ đề (Đêm hé mở, Tôi và đêm, Thiếu phụ và trăng, Thầm lặng, Dẫu chân huyễn hoặc, Trầm khúc đêm đông, Gọi ngày, Kiếm tìm,…)*


        Đêm trong Ngựa núi là sự độc thoại nỗi cô đơn. Lắm lúc (Mỏi mòn, Thầm lặng)*, nhưng cái thầm lặng mỏi mòn ấy không dí bẹp, hướng về Nốt đam mê lấp lánh/ ngôi sao xa dẫn ta về với biển…”( Hướng về tâm bão)*bung nở những tứ thơ đầy khao khát, như một điều khẳng định đã đi là đến, đã yêu là cho, dấu ấn trong tim dễ gì nhạt nhòa:
      Đâu dễ gì
      anh đi vào nỗi nhớ của em
      Rong chơi
      giữa cuộc đời bề bộn
       Cũng chẳng dễ gì
      đưa anh ra khỏi kí ức của em…

                       (Yêu thương thật lòng)*
      Yêu thương thật lòng đáng trân trọng biết bao. Nhưng sự lệch pha, không hòa cùng dòng chảy, tiếng nói nhà thơ bộc trực hơn: “Sẽ không nhớ/ có là gì đâu phải nhớ nhung sầu/… Sẽ không nhớ/ có là gì đâu phải ngóng đợi từng giờ/… Sẽ không nhớ/ có nghĩa gì/ tiếng đêm rối loạn chỉ mình tôi/… Sẽ không nhớ/ dẫu cơn bão sa mạc thốc tháo đổ qua/ dẫu triều cường ngập ngụa dìm tôi/ nhất định không nhớ/...(Chiều thẳng đứng)*. Dẫu vô cùng khao khát, thánh thiện, nhưng sự thật: “Trái tim ngập dấu răng/ theo chiều thẳng đứng/ tôi” chẳng thể bi lụy, yếu mềm. Bản lĩnh chỉ chiều cảm xúc theo mùa nhủ lòng, tha thiết lắm. Ấy vậy, thi nhân trong cái Lặng im* cứ vật vã rất đời thường:
       Lặng im không có nghĩa là không nhớ
       Ngày không màu nào hẳn chẳng thấy nhau
       Đêm vật vã đâu cần nhìn vào mắt
       Mới biết rằng tim thổn thức khẩn cầu
       Lặng im có lẽ nào không nhớ
       Nhớ nặng lòng trả nợ câu thơ
       Nỗi nhớ lặng im nỗi nhớ bơ phờ
       Mùa xanh biếc tương tư nảy nở…
”.


       Ngựa núi của ước mơ vẫy gọi từ một Đồi thông kim* đặc trưng rất Đà Lạt, rất thi vị ùa vào trong mỗi câu thơ nữ sĩ đặc tả: “những ngọn nến của thông thắp lửa trời cao/ ẩn mình trong sương sớm/ tiếng động khẽ của gió/ nhịp đập của tim/ khua vào/ thổn thức/…/ Khoảng trời cao vẫn trong xanh/ tôi gom lá thông kim muốn níu ngày tháng cũ/…” Đến một Lang- Bian* ở độ cao đầy quyến rũ cho những ai muốn khám phá, chinh phục vẻ đẹp miền cao nguyên hoang dại, gọi mời sở hữu: “…Em, xanh một đời bí ẩn/ Phơi trần tinh thể nguyên sơ/…/ Em vẫn nồng nàn chờ đợi/ Sao ai quá đỗi ơ hờ/…/ Lần thôi! Xin người dạo thử/ Nghiêng nằm xõa tóc rừng hoang/ Lần thôi trèo lên sẽ hiểu/ Dẫu cho nhói gót trần gian/…”. Và chỉ cần ba khổ trong tứ thơ Lang- Bian tròn ý (tựa một Hồ Xuân Hương nhún nhảy Đánh đu, hay thắng cảnh Đèo Ba Dội kì bí kia), cái bản năng cá thể trữ tình được thay vào xúc cảm thăng hoa, mới mẻ rất phong cách Trần Hoàng cho “Ngày trỗi dậy/ dẫu vài triệu năm dự phần tĩnh mịch/ nhũng nhụa thạch nham/ em/ chờ…”(Núi lửa)*. Hay mong chút Đổi dòng*, để được Hồi quang*: “Quay về ngày để cười để khóc/ gần xa/ niềm vui nỗi buồn giấu trong những giấc đêm/ những hi vọng đâm chồi/ phá hủy ranh giới/ ngày và đêm…”.
             Ngựa núi Vũ Nguyên của 2009 khỏe khoắn trong bức phá ngôn từ, sở hữu cái đẹp không thiên về bản ngã. Những Mưa* và Cháy* làm mới sự sáng tạo từ một đơn từ, cụm từ ngắt dòng,… không còn là thông tin khẩn cấp báo động, mà miên man âm ỉ nhắc nhở hoàn thiện chính mình. Chính vì thế, thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên len lỏi đến với những ai yêu chuộng thơ tự do, không siêu thực ám ảnh, nhưng là sự hòa nhịp chỉn chu giữa bác học và bình dân, bởi ý tưởng thơ gắn liền không gian, thời gian hiện hữu. Dù lựa chọn phông nền- gam màu đêm có lấn át, nhưng điểm sáng chút nắng gầy đủ để khi trổi cựa lại mạnh mẽ “yêu”. Đó mới là thi nhân./.
Tháng 5. 2014.
___________________
*Tên các bài trong tập thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét