Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

SẮC HƯƠNG TÌNH NGƯỜI, Nguyễn Thị Phụng


                            SẮC HƯƠNG TÌNH NGƯỜI


           (Đọc tập Tím một sắc hoa, thơ Phạm Thành Trai, NXB HNV- 2017)
        Với tựa đề, người đọc cứ ngỡ đây là một tập thơ “tình”, nhưng không riêng, thật đúng nghĩa. Chỉ bốn câu:
                 “Mỗi lần ngắm sắc trước gương
                 Mỗi lần ngắm lẽ vô thường phía sau
                 Vòng đời rồi cũng qua mau
                 Cái còn mãi gương soi nhau làm người”

                                              (Soi gương*)
        Để nhận ra giá trị cuộc sống, gương soi ngẫm lại chính mình. Một tình yêu đất nước và con người luôn thường trực trong cảm xúc thi nhân, chính là điều trân trọng sau khi đọc tập thơ Tím một sắc hoa của Phạm Thành Trai.

        Có thể nói xuất thân từ một nhà báo, nên góc nhìn luôn theo chiều hướng cấp độ khác nhau, nhưng chung quy chứa chan cái tình công dân với lãnh tụ, với anh hùng dân tộc(Bác Hồ*, Bác Giáp về quê*, Ba tượng anh hùng*), riêng đối với Đồng chí Fidel Castro*: “Khi còn sống Đồng chí mong gọi thế/ Lúc đi xa muốn hòa lẫn tuổi tên/ Không dựng tượng, không mọi điều sùng bái/ Giữa lòng đời sừng sững tượng Fidel”, với các bậc thi nhân từ một vụ án Lệ Chi Viên* đẫm máu, càng sáng danh một Chính trị gia- Nguyễn Trãi*: “Ức Trai rực sáng sao Khuê/ Ngàn đời còn thấm lời thề hiếu trung”, từ một Nguyễn Du* mỗi khi Đọc Kiều* sao mà đớn đau:
            Đọc Kiều thấm lệ Nguyễn Du
            “Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa”
             Xót xa từ bấy đến giờ
             Càng trong trắng sống càng xơ xác đời
 


        Tím một sắc hoa không là khoảng cách không gian xưa và nay, giữa quá khứ và hiện tại luôn song hành. Chỉ một Cánh chim* mất và còn, muốn vươn tới tự do giành lấy sự tồn tại cho người đọc ngẫm nghĩ từ sự lí giải:
          Lông chim khi bị đốt
          Cháy hết chẳng tàn tro
          Nhẹ nhàng từ cốt cách
          Để vươn tới tự do
”.
         Nhắc nhở lòng biết ơn chân tình, khẳng định Chính là đất, em ơi* từ một điều giản dị:
        Ai ôm ta khi chết
          Nâng bước ta trọn đời
          Hiểu ta khi cúi mặt
          Chính là đất, em ơi
”.
        Tím một sắc hoa phải chăng từ một quan niệm sống hãy biết cho đi, là mưu cầu hạnh phúc. Vòng luân hồi đời người sinh lão bệnh tử. Còn với những ai chưa thấu, nhà thơ có trái tim la bàn: “Kiếp người đâu dễ tìm ra/ Trăm năm chỉ một sát na cõi trời/ Kiếp sau muốn lại làm người/ Kiếp này hãy sống trọn lời yêu thương” (Kiếp người*), cho mạch thơ Kiếp sau* tiếp nối định hướng chân tu:   
         Kiếp sau muốn lại làm người
          Kiếp này giải nỗi đau đời chúng sinh
          Trước tiên tự giải lòng mình
          Đời này là chính bóng hình kiếp sau
          Hãy biết tự giải lòng mình, hãy biết sẻ chia đi, niềm vui là ngọn nồm xua nắng hạ. Sự giải oan từ một linh hồn Vũ nương “Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt/ Giải oan chăng lọ mấy đàng tràng” (Lê Thánh Tôn) ngày ấy chỉ ăn năn cứu vãn người sống mà thôi. Còn sự lí giải nỗi đau đời chúng sinh, ca dao đã khẳng khái: “Tu chi cho uổng tóc mai/ Không bằng em nhặt nhành gai giữa đường”.
         Tím một sắc hoa, tập sách 70 trang không dày lắm. Với 99 bài thơ, trong đó chỉ 7 bài từ mười sáu dòng trở lên cảm nhận vẻ đẹp con người, quê hương. Còn lại thơ tứ tuyệt (cách gọi chung thơ bốn câu). Đã là thơ tứ tuyệt, lời ngắn tình dài, biên độ cảm xúc dồn nén từ thể lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn nên trong quá trình tiếp nhận thơ Phạm Thành Trai thường thiên về ngữ nghĩa sáng tạo, nghệ thuật nhân sinh. Bởi theo thi nhân “Thơ là cô đúc. Thơ đòi cô đúc để rồi trong một phút nổ ra như tiếng sét” (Chế Lan Viên) cho sắc hương tình người lan tỏa cũng từ cô đúc mà ra./.
                                                           05. 2018/ Nguyễn Thị Phụng
______________       
*Tên các bài thơ trong tập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét