Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Ơn thầy năm tháng dạy con - Ký Nguyễn Thị Phụng

Ơn thầy năm tháng dạy con - Ký Nguyễn Thị Phụng

Cổng Lí Môn vào nhà cụ Đào Tấn
                    
                        ƠN THẦY NĂM THÁNG DẠY CON
          Gần một trăm năm rồi làng Vinh Thạnh quê tôi chọn Đào Tấn là ông thành hoàng để thờ cúng trong đình. Được nhân dân quý trọng tin yêu bởi ông là người con hiếu thảo với cha mẹ, người học trò lễ phép với thầy giáo, một vị quan trung trực khảng khái đối với dân với nước.

          Sinh thời, ông Đào Nhữ Tuyên ( con cụ Đào Tấn) người đã từng làm quan huấn đạo ở Phù Cát, Bình định trong những lúc thư nhàn thường hay kể chuyện về cha mình cho con cháu nghe. Lúc nhỏ Đào Tấn là học trò ngoan của cụ tú Nhơn Ân Nguyễn Diêu. Đào Tấn khao khát muốn thầy cho ứng thi để thử sức học mình như thế nào, nhưng thầy Nguyễn Diêu lo ngại cho đứa học trò của mình có đủ khả năng thi cử hay không! Vả lại ông đâu có quan niệm học tài thi phận nhưng chưa muốn cho Đào Tấn ghi danh tham dự trong đợt này. Vì theo thầy Nguyễn Diêu đã thi là phải đỗ. Thấy Đào Tấn trăn trở ngày đêm mặc dù sức học vượt xa so với các trò cùng lớp. Nhưng muốn để kiếm tra lại chắc thiệt hơn, đánh giá sức học và đức tính khiêm tốn của Đào Tấn ra sao, nên thầy Nguyễn Diêu ra câu đố và bảo đối lại được ý của thầy, thì thầy sẽ cho con tự quyết định. Đào Tấn vừa mừng vừa lo. Mừng được thầy tin yêu chiều theo nguyện vọng của mình, còn lo sợ hổ thẹn với bạn bè kia. Đào Tấn cúi đầu xin thầy ra đố. Suy nghĩ vài phút, thầy Nguyễn Diêu đọc rõ ràng vừa đủ cho Đào Tấn nghe:
         - Nai lưng nằm phản ngựa.
Đào Tấn chăm chú nuốt từng chữ vào dạ : "Nai lưng nằm phản ngựa”,"Nai lưng nằm phản ngựa”,… còn thầy Nguyễn Diêu chăm chăm nhìn diễn biến sắc mặt người học trò của mình, nhìn vào trong đôi mắt tinh anh trong suốt thử xem có lúng túng gì không! Chưa đầy một phút, Đào Tấn lễ phép cúi đầu thưa thầy cho con xin được đối lại. Nguyễn Diêu gật đầu, bảo con đọc cho thầy nghe!
          Thưa thầy: Vế của thầy đưa ra: Nai lưng nằm phản ngựa, thì con xin đối lại là:
          -Mang đai đứng bệ rồng .
          Thầy Nguyễn Diêu giật mình, quả ta đã từng dạy học bao năm mà chưa thấy trò nào thông minh lại lễ phép như Đào Tấn cả. Thầy tin tưởng và cho Đào Tấn tham gia dự thi. Năm 1867, Đào Đăng Tấn đỗ cử nhân thứ 8/18 khoa Đinh Mão (1867) Tự Đức thứ 20 Trường Thi Bình Định. Sau đó ông đổi tên là Đào Tấn được cử làm Tổng đốc Nghệ An*…
Lại kể về việc làm Tổng Đốc Nghệ An, lúc bấy giờ chưa ai dám ghi vào đôi khung câu đối ở cửa tiền thành Nghệ An được thực dân Pháp cho xây dựng theo kiểu " vô-băng” xong, các đời làm tổng đốc trước không ai dám ghi vì e ngại Nghệ An là đất khoa cử, học vấn. Sau một thời gian nhậm chức, Đào Tấn cho đề ngay câu đối :
             Hồng sơn Lam giang nhi tại tả hữu
             Hoàng đồng bạch tẩu di nhiên vãn lai
(Được hiểu:Dù chúng bay có xây thành quách kiểu gì, thì truyền thống núi Hồng sông Lam của xứ này không bao giờ mất, và người qua lại ở đây vẫn không ai ngoài những người dân thường. Cũng còn có dụng ý khác ở bốn chữ Hoàng đồng bạch tẩu có thể hiểu là: lũ trẻ nít da vàng( chỉ bọn Việt gian) và lũ da trắng(chỉ bọn Tây) sao chúng có thể ung dung qua lại nơi núi Hồng sông Lam!. Chính vì thế mà sĩ phu Nghệ An không chỉ phục tài Đào Tấn mà còn cảm phục tấm lòng yêu nước khảng khái của ông nữa.

          Trong kháng chiến chống Pháp mỗi khi nhắc đến Đào Tấn ở làng Lí Môn Vinh Thạnh, vị quan cuối thế kỉ XIX suốt đời há bao giờ biết luồn cúi ai, dám nói thẳng chưởi thẳng bọn quan trường gian hiểm, được cậu tôi (ông Lê đình Ban) kể lại lúc Cụ còn đang nhậm chức, khi về thăm mẹ thăm quê. Các quan lại chức sắc ở địa phương hay tin đều tranh thủ thời gian hầu gặp mặt ông. Có người là chân tình trân trọng cảm phục đức tính của Cụ, nhưng cũng có kẻ nịnh trên nạt dưới hiếp đáp dân làng. Hôm đó tiệc mừng gặp gỡ có người mang đến món thịt chó, số lượng khách thì nhiều, nhưng nhà nghèo lắm chỉ có một cái bàn, nên Cụ đề nghị chia làm hai mâm. Một mâm trên bàn , một mâm dưới đất. Ai cũng nhường nhau chỗ ngồi. Thấy vậy, ông niềm nở hài hước: Ngồi trên này cũng chó, mà ngồi dưới này cũng chó!...

         Còn về sự nghiệp văn thơ, Đào Tấn chịu ảnh hưởng thầy Nguyễn Diêu thơ hay viết tuồng giỏi và là tác giả các vở tuồng như : Ngũ hổ, Liệu đố, Võ Tam Tư chém cáo… nên Đào Tấn sớm được phát triển nhân tài, từ năm 19 tuổi ông đã viết vở tuồng đầu tay: Tân dã đồn ( Từ Thức quy tào). Sau này ông còn viết những bài tạp văn về những điều mắt thấy tai nghe lúc bấy giờ. Ông có gần hàng ngàn bài thơ, từ, và những bản tuồng xuất sắc. Xuất thân trong một gia đình nông dân hiếu học, Đào Tấn lại được thầy Nguyễn Diêu yêu thương dạy bảo, thơ ông thấm đượm chất nhân văn:
           Tháng năm tháng sáu trời chẳng mưa
            Đạp guồng em hát ngủ bao giờ
            Nhà thơ cứ bảo nhà nông sướng
            Thế đấy nhà nông đã khổ chưa?
                    ( Xe nước, Mịch Quang và Vũ Ngọc Liễn dịch)
         Khi làm quan hay lúc về già, ông vẫn là đưa con hiếu thảo lễ phép:
           Năm mươi mốt tuổi biết chi chưa
           Ngoảnh lại đầu râu cũng đã vừa
           Mẹ già tám kỉ đang trông ngóng
           Cội tùng khóm trúc vẫn còn lưa**
       Và đến cuối đời, Đào Tấn tự chọn cho mình nơi yên nghỉ thật gần gũi thanh bạch với chúng ta:
           Lên đỉnh Mai sơn tìm huyệt mộ
           Đứng trên tản đá ngậm thinh cười
           Núi Mai này gửi xương Mai nhỉ
           Ước nguyện hồn ta hóa đóa mai*.
                                 (Đào Nhữ Tuyên dịch)

       Với cuộc đời và sự nghiệp của một người tài hoa chân chính, có cái nhìn nhân sinh tốt đẹp đáng ngợi ca trân trọng, nên Đào Tấn đã được công nhận là Danh nhân Văn hóa của dân tộc ta. Với lòng biết ơn sâu nặng về người thầy đức độ tài năng, tại quê hương Tuy Phước Bình Định có ngôi trường THPT được mang tên Thầy Nguyễn Diêu đầy tự hào.
                                   01.11.2010/ 
Nguyễn Thị Phụng ___________
*(dựa theo lời kể của chú Đào Tụng Phi, cháu gọi Cụ Đào Tấn là cụ cố).
** Con đò đã thác năm xưa
Cây đa bến cũ còn lưa đến chừ /(Ca dao Huế)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét