Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

ÂM HƯỞNG BÓNG THỜI GIAN


                ÂM HƯỞNG BÓNG THỜI GIAN
             (Đọc tập thơ BÓNG THỜI GIAN của Thế Hùng)
      Nếu ai đã từng gặp và làm quen với nhà giáo, ngoài phong cách riêng mẫu mực người thầy trên bục giảng,họ thật dễ mến tin yêu. Hầu hết bạn bè tôi đều là nhà giáo yêu thơ văn và sáng tác văn thơ. Cầm tập BÓNG THỜI GIAN (NXB Văn Nghệ,2009) của Thế Hùng là tập thơ thứ hai sau Tĩnh Lặng ( NXB Văn Nghệ, 2006),tôi cảm nhận ở anh một người thầy, nghỉ hưu trở về với thực tại cuộc sống gia đình tưởng chừng như thanh thản bình yên. Nhưng Bóng Thời Gian đi qua đâu dễ xóa nhòa, bởi còn nặng nợ duyên thơ trăn trở sâu đậm tình yêu con người,đất nước .
      Tập thơ anh có hai phần. Phần thứ nhất: Kí ức thời gian, 26 bài ;phần thứ hai: Những nẻo đường thơ, 37 bài được làm dưới nhiều thể loại khác nhau tùy theo chủ đề và cảm hứng riêng anh.

     
Với Kí ức thời gian, anh dành những cảm xúc chân tình, trân trọng các bậc tiền bối là những người một thời một thời ghi lại dấu ấn vàng son nhất trong thơ ca trung đại, hiện đại Việt Nam. Nhớ đến Đại thi hào Nguyễn Du, anh không quên nhắc đến hai câu thơ của cụ : " Bấc tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạn hà nhân khấp Tố Như " (Trích Độc Tiểu Thanh kí ) và thực sự xúc động :

                  Nước non nặng nghĩa đất trời
                Ba trăm năm vẫn khóc đời Tố Như / (Nhớ Cụ Nguyễn Du )
      Còn với nhà thơ Nam bộ đầy khí tiết trong sáng như Đồ Chiểu, anh ngợi ca :
                 Trăm năm cuộc sống bách tùng
                 Gương cụ để lại soi chung một nhà / ( Nhớ cụ Đồ Chiểu )
       Anh Nhớ Tản Đà là nhớ lời Thề non nước, Nhớ Tố Hữu là nhớ thời Từ ấy Ra trận, Máu và hoa,...Nhớ Yến Lan, Nhớ Xuân Diệu, Nhớ Hàn Mặc Tử là nhớ đến cuộc đời và tâm hồn của họ đã hết mình vì cái đẹp của thơ ca, nên không thể nào quên :
                 " Tứ đại bàn thành" tứ đại mơ
                  Nhớ người nhớ mãi đến bao giờ
                  Mùa thu lá rụng vàng bay nhẹ
                  Trên bến Mi Lăng ai thững thờ /   (Nhớ Yến Lan )
         Thơ ca đã chăm chút ươm mầm, nuôi dưỡng tâm hồn, trái tim anh vốn nhạy cảm với tình người, cảnh vật anh đều gắn bó yêu thương hết thảy. Cho nên trên mọi nẻo đường quê, khi đặt chân đến, tất cả với anh trở nên thơ mộng hơn. Từ Ngã Ba Đồng Lộc, anh hình dung những cô gái thanh niên xung phong ngày ấy " Tiếng hát át tiếng bom" xông xáo tháo gỡ, lấp hố bom cho con đường Trường sơn bình yên để đoàn xe kịp giờ ra trận. Giờ đây đứng trước tượng đài, anh tự hào nhưng xót xa đau đáu có cả niềm uất hận kẻ thù. Khi Qua Cầu Hiền Lương trở lại Thăm Cố Đô Huế thắm thiết làm sao :
...Gió qua miền tối sáng
Cũng quặn lòng lắc lay...
...Tôi về đây nằm ngửa mặt giữa Sông Hương
Trời cao ấy ôi thiên đường cuộc sống
Giữa sông Hương giữa biển đời cao rộng
Đất nước mình tất cả hóa thành thơ / (Thăm Cố Đô )
        Sông Hương trong xanh tĩnh lặng muôn đời đâu chỉ tắm mát tâm hồn khi một lần đi qua, còn theo anh suốt cuộc đời. Thật vậy, yêu Huế bao nhiêu lại càng yêu mảnh đất là cái nôi thi ca Bình Định nơi anh đang sống đầy ắp nắng gió khắc nghiệt trong mùa khô, cũng như không sao tránh khỏi bão lụt trong mùa mưa lắm đau thương quặn lòng  mà người dân cả đời phải gánh nhận. Về thăm An Lão, Hoài Ân, Phù Cát,...Tất cả đều đọng lai ít nhiều nghĩa nặng tình sâu, ngỡ như máu như thịt mình nên anh yêu quý biết chừng nào ! Vẫn ngọt ngào như lời ru của mẹ đưa anh về theo Bóng Thời Gian hiển hiện sự gắn bó xưa nay trìu mến thiết tha trong từng trang thơ của Thế Hùng.
              Còn Những Nẻo Đường Thơ như là quy luật tự nhiên của con người : người yêu người sống để yêu nhau chân tình trong sáng đẹp đẽ. Lúc dịu dàng e ấp, lúc trăn trở nhớ nhung. Cảm giác rất riêng với anh, thơ là giải bày chia sẻ :
  ...Em thứ lỗi cho tình anh em nhé
Đừng trách chi nhiều tội nghiệp lòng anh
Số phận cuộc đời đều do tiền định
Anh ngước lên trời kêu với cao xanh / (Đường Về Nhà Em )
         Anh kêu với cao xanh về số phận con người và xin lỗi hẹn để rồi day dứt đau thương. Từ đó, trong tiếng Ru Đời, Ngàn Năm Lỗi Hẹn nhưng vẫn Thương Về Miền Trung, về Tiếng Chuông Chiều Quê Tôi đầy vơi nỗi niềm sâu lắng gởi vào phố biển :
               Quy Nhơn thành phố biển tôi yêu
               Quy Nhơn thành phố một chiều tôi mơ... / (Quy Nhơn )
       Điều kì lạ khi đọc tập thơ, trái tim đa cảm chất chứa trong anh những Suy Nghĩ và tự hỏi Tại Sao bóng thời gian qua rồi cứ cuồn cuộn trào dâng cảm xúc thời thanh xuân của tuổi học trò mơ mộng giữa nắng chiều vương nhẹ thấp thoáng tà áo thướt tha trong sân trường, có còn tiếc nuối hay không :
...Thấp thoáng mênh mông vạt áo dài
Một thời để nhớ có quên ai / (Một thời để nhớ )
       Say thơ là để say tình chưa đủ, anh tìm đến men say Bầu Đá, nhắp chút rượu trắng sủi tăm có nồng độ thơm cay xiêu lòng mà tận hưởng đặc sản quê nhà :
...Uống vào vài chén hồn bay bổng
Bầu đá quê mình rượu bậc cao / ( Rượu Bàu Đá )
        Cùng thưởng thức và sẻ chia những vui buồn trong tình yêu cuộc sống của nhà thơ nói chung không thể thiếu được. Vì thế BÓNG THỜI GIAN ra đời chính là hơi thở nhịp đập trái tim anh. Ý thơ sâu đậm giàu tính nhân văn được chắt chiu từ mảnh đất Hương Sơn Hà Tĩnh, nơi có dòng Sông Lam thơ mộng hiền hòa cũng rất anh dũng trong chiến đấu ở quê cha, hòa nhịp với dòng Sông Côn lớn lên những binh đoàn của người anh hùng áo vải Tây Sơn, những danh nhân văn hóa Đào Tấn, Xuân Diệu quê mẹ anh đang gắn bó.
         BÓNG THỜI GIAN sẽ mãi chập chờn âm hưởng những cảm xúc khi ta đọc đến trang thơ cuối trong tập. Rất riêng anh, không thể lẫn lộn với nhà thơ nào khác. Cũng cần nói thêm, có thể vì quá tham lam, anh muốn bộc bạch hết suy tư của mình mà vội vàng quên đi bể ngôn từ như biển mặn ngàn năm trong xanh, thì chưa thể làm vơi cơn khát cho người đi đường lắm. Thật vậy, lời thơ trong BÓNG THỜI GIAN mộc mạc bình dị, chân chất như tâm hồn và cuộc đời anh dù ở độ tuổi ngoài sáu mươi vẫn còn trẻ trung đầy sức sống./.
                                                                  11.09.2009 / NTP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét